“Hồi trước, tuyến đường Lê Trọng Tấn nổi danh là khu phức tạp lắm; từ đánh lộn đến trộm cắp, giật dọc, gì cũng có. Bây giờ, con đường này cũng nổi tiếng nhưng với một nghĩa khác, vệ sinh hơn và văn minh hơn” - chú Võ Văn Chiến (ngụ tại 408 Lê Trọng Tấn phường Tây Thạnh quận Tân Phú TPHCM) hãnh diện khoe.
- Tai mắt của dân
Hai ngày liền, chú Lê Đức Chiến, Bí thư chi bộ Khu phố 3 phường Tây Thạnh quận Tân Phú mật phục để rình bắt một xe ba gác máy. Theo quan sát, chú Chiến để ý thấy mỗi lần chiếc xe ba gác máy này chạy vào rồi chạy ra là thể nào cũng để lại khi thì đống xà bần, khi thì đống rác. Kiên trì hai ngày, cuối cùng chú Chiến cũng bắt quả tang.
Trời tờ mờ sáng, cô Nguyễn Thị Xuân Dung (ngụ tại số 341 đường Lê Trọng Tấn, phường Sơn Kỳ quận Tân Phú) cùng chồng đi tập thể dục. Trên đường đi, cô chú phát hiện một số đối tượng đang lén lút dán quảng cáo lên cột điện, vách tường. Lần nào bắt gặp, cô Dung cũng tới nói chuyện, đề nghị các đối tượng không được dán quảng cáo trái phép nữa. Nhiều khi đối tượng ra tay quá nhanh rồi phóng lên xe gắn máy vù mất, hai vợ chồng cô lại kiên nhẫn bám theo sau. Hễ chúng vừa dán quảng cáo lên cột điện nào, cô chú lại gỡ xuống, cho vào túi ni lông rồi đem bỏ vô thùng rác. Lần khác, đang ngồi nhà thì cô Dung nhận được điện thoại: “Alô, bác Dung đó hả. Vừa có xe tải biển số 57H-... đổ trộm rác ở bãi đất trống gần nhà em đây này. Em trông thấy mà có mỗi mình em nên không cản chúng nó được. Bác báo biển số xe lên phường để anh em họ để ý canh gác bác nhé!”.
Đang đi kiểm tra một vòng quanh các tuyến đường trong phường, anh Trần Huy Hoàng, Phó Chủ tịch UBND phường Tây Thạnh, phát hiện một xe ba gác đổ trộm. Anh lập tức “áp giải” cả xe cùng tang vật về trụ sở phường. Lần khác, thấy bảng quảng cáo khoan cắt bê tông, anh lấy điện thoại di động ra gọi ngay vào số máy quảng cáo, giả làm người có nhu cầu thuê dịch vụ khoan cắt bê tông. Hẹn hò xong đâu đấy, anh đón lõng ở điểm hẹn chờ đối tượng tới để … xử lý.
Trong cuộc họp chi bộ khu phố tháng rồi, cô Châu Hồng Nguyệt, nhà số 451 đường Lê Trọng Tấn phường Sơn Kỳ, đem chuyện đua xe trên tuyến đường Lê Trọng Tấn ra đề nghị chi bộ có hướng quan tâm, giải quyết. Cô nói đầy tâm huyết: “Tui theo dõi kỹ lắm. Mấy tháng trước, quận ra quân rầm rộ, nạn đua xe tưởng đã yên. Vậy mà mấy đêm nay chúng nó lại đua. Thanh niên con trai, con gái nằm rạp trên yên xe, nẹt pô, rú ga rầm rú suốt đêm. Hễ dẹp ở đường lớn thì chúng lại kéo vào các đường nội bộ. Chuyện này mình phải tính…”
Những chuyện như thế không hiếm gặp ở quận Tân Phú. Một năm qua, kể từ ngày quận Tân Phú quyết định chọn đường Lê Trọng Tấn để xây dựng tuyến đường vệ sinh, văn minh làm công trình “Dân vận khéo” cấp quận, bà con thuộc hai phường Sơn Kỳ và phường Tây Thạnh - nơi con đường đi qua - ít nhiều đều có ý thức giữ gìn vệ sinh đường phố. Anh Trần Huy Hoàng kể: “Bà con ở đây, đặc biệt là các cô chú về hưu, những cán bộ lão thành cách mạng, cô chú làm ở ban điều hành khu phố, tổ dân phố rất ủng hộ chủ trương này của quận và hết lòng cộng tác với lực lượng của phường. Hầu như các cô bác đều biết số di động của tôi, số điện thoại của ban bảo vệ khu phố để kịp thời “mật báo” thông tin về những đối tượng, hành vi làm mất mỹ quan đô thị”.
- Đẹp lên từng ngày
Những cách làm chủ động như trên đã làm tăng ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, văn minh đô thị. Những ngày này, đi trên đường Lê Trọng Tấn, chúng tôi chứng kiến hai bên đường rất trật tự, bán buôn có nơi, đậu xe có chỗ, người đi bộ không phải tràn xuống lòng đường. Chú Võ Văn Chiến hồ hởi kể: “Giờ thì nề nếp ở đây đã rõ ràng lắm rồi. Đường sá rộng rãi, kẻ vạch phân chia trên lề rõ ràng nên cảnh buôn bán, để xe lấn chiếm lề đường giảm hẳn. Rồi tụi tui cũng nghe nói nếu bỏ rác trước nhà sẽ bị xử phạt hơn trăm ngàn đồng, trong khi đóng tiền cho mấy xe đổ rác dân lập đến lấy rác chỉ có 15.000 – 20.000 đồng/tháng nên mọi người nhắc nhau không bỏ rác bừa bãi nữa”.
Để người dân hưởng ứng việc xây dựng con đường Lê Trọng Tấn văn minh, sạch đẹp như ngày hôm nay, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể của quận cùng hai phường Sơn Kỳ, Tây Thạnh đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động người dân một cách có lý có tình. Cô Nguyễn Thị Xuân Dung dẫn chứng: “Cái gì tuyệt đối quá, cứng nhắc quá cũng khó làm lắm. Lúc trước, phường không cho các hộ dân sử dụng lề đường dưới bất kỳ lý do gì, kể cả làm cái bục để dễ dẫn xe lên nhà, nên đã tạo tâm lý đối phó nơi người dân.
Chỉ cần không thấy bóng dáng lực lượng chức năng đi kiểm tra là bà con tranh thủ sử dụng lề đường. Sau nhiều lần được góp ý, chính quyền đã tiếp thu, cho kẻ vạch sơn trên vỉa hè, quy định rõ các hộ dân được sử dụng diện tích từ phần vạch trở vào để buôn bán hay đậu xe, từ phần vạch trở ra dành cho người đi bộ. Nay hộ dân nào lấn chiếm lề đường, nếu có bị phạt thì cũng không thể phàn nàn”. Sự lắng nghe ý kiến đóng góp, giải quyết hợp tình hợp lý của chính quyền địa phương đã khiến người dân tâm phục khẩu phục, từ từ bỏ đi thói quen chưa tốt trong giữ gìn vệ sinh để xây dựng con đường chung ngày càng sạch đẹp.
Tuy nhiên, xây dựng nếp sống văn minh đô thị như chuyện nhiều kỳ, nhiều tập mà chính quyền và người dân ở đây đã làm tốt được những tập đầu. Mọi chuyện vẫn còn ở phía trước. Nói như Phó chủ tịch UBND phường Tây Thạnh Trần Huy Hoàng: “Chỉ cần bà con đồng lòng, chúng tôi nhất định sẽ thành công”
ÁI CHÂN – MAI HƯƠNG