Xe buýt thiếu bến bãi, trạm dừng, nhà chờ

Tuần qua, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã có buổi báo cáo với đoàn giám sát, khảo sát của HĐND TPHCM về công tác đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho vận tải hành khách công cộng thành phố. Theo những số liệu mà Sở GTVT TPHCM đưa ra, hệ thống hạ tầng kỹ thuật gồm hệ thống bến bãi lưu đậu, các trạm dừng, nhà chờ… dành cho vận tải hành khách công cộng của thành phố vẫn thiếu trầm trọng…
Xe buýt thiếu bến bãi, trạm dừng, nhà chờ

Tuần qua, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã có buổi báo cáo với đoàn giám sát, khảo sát của HĐND TPHCM về công tác đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho vận tải hành khách công cộng thành phố. Theo những số liệu mà Sở GTVT TPHCM đưa ra, hệ thống hạ tầng kỹ thuật gồm hệ thống bến bãi lưu đậu, các trạm dừng, nhà chờ… dành cho vận tải hành khách công cộng của thành phố vẫn thiếu trầm trọng…

Xe buýt thiếu bến bãi, trạm dừng, nhà chờ ảnh 1

Bến xe buýt trong Công viên 23-9. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Đến thời điểm này, Sở GTVT phối hợp cùng Sở Quy hoạch Kiến trúc và các quận, huyện mới cơ bản xác định được… trên đồ án quy hoạch 770,14ha đất dành cho việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các bến bãi đậu xe phục vụ hoạt động vận tải hành khách nói chung của thành phố (bao gồm xe liên tỉnh, xe buýt, taxi…). So với chỉ tiêu trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020: 1.146ha, thì con số này mới đạt 67%. Riêng với hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố (xe buýt) diện tích đất dành cho bến bãi mới xác định được 27,53ha. So với chỉ tiêu trong quy hoạch là 191,05ha thì con số này mới đạt 14,4%.

Liên quan đến việc đầu tư xây dựng bến bãi đậu xe tại TPHCM, Sở GTVT đã có văn bản đề nghị UBND TPHCM xem xét, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với phần diện tích dành cho bãi đậu xe, điều chỉnh chế độ hỗ trợ lãi vay theo chương trình kích cầu của thành phố, quy định trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan chuyên môn trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng bãi đậu xe, quy định chi tiết thêm cho việc đầu tư xây dựng bãi đậu xe tầng ngầm và cao tầng. Về việc xây dựng các điểm đầu và điểm cuối của các tuyến xe buýt, Sở GTVT đề xuất, UBND TPHCM chỉ đạo các quận, huyện phối hợp cùng Sở GTVT rà soát các quỹ đất dự trữ trên địa bàn, bố trí các khu đất mang tính chất ổn định, phù hợp có diện tích từ 600m2 - 1.000m2 trở lên làm bãi lưu đậu xe, để vừa tạo điều kiện cho hành khách sử dụng xe buýt thuận lợi vừa đảm bảo cho xe buýt hoạt động ổn định, lâu dài.

Tuy nhiên, tất cả các diện tích xác định này có được triển khai đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho hoạt động vận tải không, còn phải chờ… thời gian thẩm định. Bởi theo Sở GTVT TPHCM, đa phần mới có thông tin về vị trí, quy mô sẽ được quy hoạch, những yêu cầu quan trọng khác như xác định chi tiết, địa điểm, ranh mốc cụ thể thì chưa. Việc này làm cho quá trình hiện thực hóa các bến bãi gặp rất nhiều khó khăn.

Trên giấy tờ còn thiếu (diện tích bến bãi) như thế, hiện thực (tính đến thời điểm hiện nay) còn thiếu hơn nhiều. Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc chuyên trách Vận tải của Sở GTVT TPHCM cho biết, xe buýt TPHCM hiện có 76 vị trí điểm đầu và điểm cuối dành cho các tuyến xe buýt, thế nhưng 49 điểm trong số này đã phải sử dụng tạm lòng lề đường làm nơi lưu đậu với diện tích lên tới 2.187m². Trong khi đó, diện tích bến bãi xe buýt do các đơn vị vận tải quản lý, sử dụng mới đạt 176.500m8…

Tất nhiên, hậu quả trước tiên của tình trạng này không gì khác hơn là xe buýt gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Thiếu bến bãi lưu đậu, đặc biệt là các bến hậu cần đang làm tăng chi phí hoạt động của xe buýt. Ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM phân tích, nếu có bến bãi hợp lý, gần điểm đầu hoặc điểm cuối của các tuyến xe buýt thì đoạn đường trở về lưu đậu và bảo dưỡng, sau giờ hoạt động của xe buýt ngắn hơn. Việc này có nghĩa, một phần không nhỏ chi phí nhiên liệu sẽ được tiết kiệm. Hàng ngàn xe buýt không phải đi lòng vòng để tìm đến chỗ lưu đậu cũng sẽ góp phần làm giảm lượng xe lưu thông trên đường… Thiếu các điểm trung chuyển làm cơ sở cho việc tổ chức lại luồng tuyến xe buýt hợp lý hơn đang là nguyên nhân trực tiếp làm tỷ lệ trùng tuyến tăng lên. Tuyến trùng tuyến vừa lãng phí nhiên liệu, vừa tạo ra nguy cơ ùn tắc giao thông do có quá nhiều xe buýt (dù của các tuyến khác nhau) cùng chạy trên một tuyến đường. Phải dùng lòng, lề đường làm nơi đậu, đỗ hoặc đem về để ở nhà xã viên, qua đêm, xe buýt rất khó thực hiện đầy đủ chế độ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì, bàn giao ca… Chất lượng hoạt động của xe buýt, vì thế bị ảnh hưởng không nhỏ. Thiếu trạm dừng, nhà chờ cố định, đảm bảo trật tự an toàn… hành khách, nhất là hành khách mới đi xe buýt lần đầu rất khó tìm được xe buýt cần đi…

Để giải quyết tình trạng thiếu bến bãi lưu đậu cho xe buýt, hiện tạm thời Sở GTVT TPHCM đưa một phần diện tích của các bến xe liên tỉnh làm nơi lưu đậu cho loại phương tiện vận tải này. Thế nhưng, xe buýt vào lưu đậu trong các bến xe liên tỉnh đang làm tăng áp lực cho các bến xe liên tỉnh. Việc này đã làm quá tải, tạo ra ùn tắc cục bộ trong các bến xe liên tỉnh.

NGUYỄN KHOA

Xe taxi, xe khách liên tỉnh cũng thiếu bến bãi

Theo Quy hoạch Phát triển Giao thông Vận tải TPHCM đến năm 2020, taxi được dành cho 15 bến bãi với diện tích khoảng 30,98ha. Tuy nhiên, giống như xe buýt, bến bãi dành cho taxi cũng rất thiếu, thậm chí có thể nói, hầu như chưa có. Sở GTVT TPHCM cho biết, hiện tại chỉ có một số ít doanh nghiệp taxi có khả năng tài chính thuê mướn được chỗ cho xe taxi lưu đậu, thực hiện công tác bảo dưỡng, duy tu, bàn giao ca. Phần lớn hãng taxi và số lượng taxi còn lại không có bến bãi lưu đậu ổn định, phải dừng, đỗ trên lòng lề đường, các trạm xăng dầu…Trong bối cảnh diện tích đường dành cho giao thông, đặc biệt là số đường có chiều rộng mặt đường lớn không nhiều, việc lưu đậu xe trên lòng, lề đường của đại đa số xe taxi (ước khoảng vài ngàn chiếc) đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông. Rất nhiều tuyến đường ở TPHCM đã thường bị ùn ứ giao thông do xe taxi lưu đậu hoặc dừng, đợi khách.

Cũng theo Quy hoạch Phát triển Giao thông Vận tải TPHCM, xe khách liên tỉnh sẽ được đầu tư cho 7 bến xe với diện tích 78,90ha, bám theo các trục ngõ cửa ô để thuận lợi cho việc đưa, đón khách. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách thành phố còn hạn chế, chưa thể đầu tư xây dựng mới các bến xe khách liên tỉnh như quy hoạch thì các bến xe hiện hữu nằm sâu trong nội thành như Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh), Bến xe miền Tây (quận Bình Tân)… vẫn phải đảm nhận chức năng tiếp nhận xe khách liên tỉnh. Hoạt động giao thông tại các khu vực bến xe trong nội đô này vì thế gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng ùn ứ xảy ra khá thường xuyên.

TÂM ĐỨC

Tin cùng chuyên mục