Xe buýt xuống cấp, lượng hành khách đi xe buýt liên tục sụt giảm, tâm lý làm việc của nhiều tài xế, tiếp viên lo lắng, đường đi luôn bị tắc nghẽn dẫn đến khó đảm bảo lộ trình… là những khó khăn mà hệ thống xe buýt TPHCM đang gặp phải.
Xuống cấp
Nhìn những chiếc xe buýt xập xệ, thải khói đen mù mịt, có xe còn bị bể đuôi phải dán lại bằng keo dán, ghế ngồi cũ kỹ… hàng ngày vẫn đang phải xuôi ngược đưa đón khách, ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM - người đã có gần 20 năm tâm huyết, gắn bó với hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt - không khỏi bức xúc. Tuy “mạnh miệng” vận động xã viên đầu tư đổi mới xe buýt như hồi những năm 2002 nhưng ông Phùng Đăng Hải lại ngại ngần bởi hoàn cảnh bây giờ đã khác trước rất nhiều. Nếu như trước kia bắt đầu xây dựng lại hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sau nhiều năm bị lãng quên với nhiều “hồ hởi, phấn khởi và nhiều dư địa mà chủ yếu là đường còn thông thoáng” cho xe buýt hoạt động, thì hiện nay mọi việc đã khác rất nhiều. Trên đường, lượng xe cá nhân, đặc biệt là xe hơi cá nhân phát triển với tốc độ chóng mặt. Diện tích đường lại không tăng kịp với tốc độ tăng của các phương tiện giao thông cá nhân và hậu quả là xe buýt bị kẹt, gần như không thể hoạt động đảm bảo lộ trình. Vỉa hè bị lấn chiếm làm cho người dân không thể đi bộ đến các trạm đón khách của xe buýt và hành khách dần dần rời bỏ xe buýt…
“Kinh doanh gặp khó khăn mà hướng ra cho những thách thức nêu trên lại chưa rõ, nên vận động xã viên một lần nữa đầu tư đổi mới xe buýt như năm 2002 là việc không đơn giản. TPHCM đã phê duyệt dự án đầu tư đổi mới 1.680 xe buýt theo hướng hỗ trợ một phần lãi suất vay đầu tư xe cho xã viên và các đơn vị vận tải” - ông Phùng Đăng Hải cho hay. Chưa kể, dự án đổi mới 1.680 xe buýt có một ưu điểm rất lớn so với dự án đổi mới 1.318 xe buýt trước đây là trong dự án nêu rõ đóng mới 300 xe buýt chạy bằng khí CNG - một loại khí thiên nhiên thân thiện với môi trường. Đây là loại xe được rất nhiều hành khách ưa thích bởi chúng không có mùi xăng, vận hành êm ái, không gây nhức đầu cho một số người. Nhà sản xuất xe buýt sử dụng khí CNG được TPHCM giao là Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco). Đơn vị này được giảm một số loại thuế khi nhập khẩu một số phụ tùng phục vụ cho việc sản xuất xe buýt sử dụng khí CNG, để có giá thành xe buýt sử dụng khí CNG phù hợp với khả năng chi trả của xã viên.
Chưa hết, theo nhiều đơn vị vận tải, một số quy định liên quan đến hoạt động của xe buýt còn bất cập, làm cho các đơn vị vận tải chưa dám mạnh dạn đổi mới xe buýt. Đấu thầu luồng tuyến, nhằm chọn ra những đơn vị vận tải có chất lượng phục vụ hành khách tốt nhất là chủ trương đúng nhưng thời gian hoạt động cho xe buýt trúng thầu dự kiến chỉ có 3 năm đến 5 năm trong khi đó “vòng đời” của một chiếc xe buýt theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải là 15 năm. Nếu đơn vị vận tải phải vay vốn để đầu tư xe, tính theo lãi suất trung bình hiện tại cũng như các quy định khác của ngành tài chính thì ít nhất cũng khoảng 6-7 năm, các đơn vị vận tải mới trả hết được cả vốn lẫn lãi. Sau thời gian đó, nêu không trúng thầu, các đơn vị vận tải sẽ làm gì với chiếc xe đã mua?
Chỉ 1 hành khách trên một chuyến xe buýt tuyến 139. Ảnh: CAO THĂNG
Một trong những đặc trưng của xe buýt là sàn thấp. Xe sàn thấp không thể chạy liên tỉnh hoặc cho thuê đi du lịch đường xa… Đưa xe buýt cũ quay trở lại đấu thầu, liệu có thể thắng trước những xe buýt mới? Riêng đối với xe sử dụng khí CNG, dù đã được ưu đãi một phần thuế nhập khẩu thiết bị nhưng về cơ bản, giá xe buýt sử dụng khí CNG vẫn đắt gấp rưỡi xe buýt sử dụng xăng, dầu. Trong khi đó, mức trợ giá cho xe buýt sử dụng khí CNG vẫn không khác xe buýt sử dụng xăng, dầu. Trước đây, giá xăng, dầu cao hơn giá khí CNG nên các đơn vị vận tải vẫn sử dụng mức chênh lệch này để bù cho việc phải trả giá cao khi đầu tư xe sử dụng khí CNG. Tuy nhiên, hiện giá xăng, dầu đã giảm nhiều nên giải pháp trên không thể áp dụng. Công ty Xe khách Sài Gòn, Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM đã từng mạnh dạn đầu tư hàng chục xe buýt sử dụng khí CNG, nay đã không còn mặn mà với loại xe buýt thân thiện với môi trường này nữa.
Ngành chức năng: rối
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, cho đến thời điểm hiện nay, sản lượng hành khách vận chuyển được của xe buýt trong năm nay giảm khoảng trên 10% so với cùng kỳ năm 2014 và sở đang có nhiều nỗ lực nhằm vực dậy hoạt động vận tải hành khách công cộng. Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Lê Hoàng Minh cho biết, hiện sở đang tập trung cho công tác đưa đón học sinh đi học. Các cán bộ của Trung tâm Quản lý Điều hành vận tải hành khách công cộng thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM sẽ xuống làm việc với các trường học, trực tiếp thảo luận việc đưa đón học sinh thay vì giao cho các đơn vị vận tải như trước. Một trong những trở ngại lớn của cán bộ, công nhân viên khi sử dụng xe buýt đi làm là không thể đưa đón con đi học. Sở Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với các trường để giải quyết khó khăn này, hy vọng sẽ thu hút được số đông người đi làm bằng xe buýt. Sở Giao thông Vận tải đánh giá đây là đối tượng khách hàng rất tiềm năng của hệ thống vận tải hành khách công cộng nói chung và xe buýt nói riêng.
Giảm phí đi lại sẽ là khâu đột phá tiếp theo mà Sở Giao thông Vận tải dự định sẽ thực hiện. Theo ông Lê Hoàng Minh, nếu đi từ nhà đến cơ quan phải qua 2-3 chặng xe buýt thì hành khách sẽ phải trả 2-3 lần vé. Giá vé xe buýt hiện nay trung bình 6.000 đồng/vé thì với 2-3 chặng đường, hành khách đã phải trả 12.000 đồng - 18.000 đồng/lượt đi. Trong khi đó, với số tiền này hành khách có thể mua xăng, đi xe gắn máy 2 bánh cho cả hai lượt đi và về. “Sở Giao thông Vận tải dự định làm thẻ đi xe buýt thông minh. Với thẻ này, hành khách có thể đi tất cả các tuyến xe buýt với giá hấp dẫn và việc này cũng giúp các tiếp viên, tài xế không phải mất thời gian, công sức cho việc bán và soát vé” - ông Lê Hoàng Minh nói.
Ngoài ra, gắn thiết bị giám sát hành trình, xử lý nghiêm các hành vi hành xử không đúng của tài xế, tiếp viên với hành khách, tăng cường công tác an ninh, chống trộm cắp, móc túi trên xe buýt… là những giải pháp khác mà Sở Giao thông Vận tải TPHCM đang triển khai, để nâng chất lượng hoạt động của hệ thống xe buýt.
Tuy nhiên, tất cả những giải pháp này có đủ sức mạnh giúp hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt vượt qua khó khăn? Theo nhiều chuyên gia vận tải, câu trả lời là: Không! Các vấn đề “cốt tử” nhất như đường để đi, vỉa hè thông thoáng để hành khách dễ tiếp cận xe buýt… chưa được giải quyết, thì những nỗ lực nêu trên chỉ là giải quyết phần ngọn. Nếu để xe buýt hoạt động khó khăn như hiện nay, Sở Giao thông Vận tải tổ chức đấu thầu nhiều tuyến xe buýt nhưng không có đơn vị vận tải tham gia, thì việc “kéo” hệ thống xe buýt ra khỏi khó khăn gần như là điều không thể, một chuyên gia vận tải khác xin giấu tên nói.
NGUYỄN KHOA