Xe thô sơ chở hàng cồng kềnh

LÊ DU AN
Xe thô sơ chở hàng cồng kềnh

Những vụ tai nạn giao thông do xe thô sơ chở hàng gây ra ngày càng thường xuyên hơn. Tuy CSGT đã hạn chế các loại xe này lưu thông trên một số tuyến đường trong thành phố thế nhưng việc hạn chế này không đồng nghĩa với hạn chế tai nạn.

Xe thô sơ chở hàng cồng kềnh ảnh 1

Hai cuộn tôn trên chiếc ba gác đã chém đứt cổ một người ngồi phía sau xe gắn máy (tai nạn giao thông xảy ra ngày 31-8-2005 trên đường Nguyễn Duy Trinh, Q.2).

Vào lúc 10g30 ngày 23-5-2004 một xe ba gác máy chở hơn một tấn sắt cây dài trên 5m đã bị lật úp trên quốc lộ 1A trước nhà số 125 (P.Bình Hưng Hòa Q.Bình Tân). Người điều khiển xe tử vong.

12g ngày 31-8-2005, em N.T.T. điều khiển xe gắn máy số 53XD-1694 chở bà N.T.Đ. (63 tuổi) lưu thông trên đường Nguyễn Duy Trinh, khi lách tránh một xe chạy ngược chiều đã vướng vào một cuộn tôn dài hơn 7m trên xe ba gác máy không biển số đậu sát lề đường. Bà N.T.Đ. bị tôn cứa đứt cổ chết ngay tại chỗ.

Trưa 5-4-2006, ở vòng xoay Cống Quỳnh – Phạm Ngũ Lão, một chiếc xe ba gác máy chở hàng chục tấm ván ép quá khổ bất ngờ gục đầu chổng cao đuôi xe hất văng người lái xuống đường. Rất may, qua vòng xoay xe cộ các loại đều di chuyển chậm nên không có thương vong. Các phương tiện đang lưu thông cùng chiều với xe ba gác một phen hú vía…

Xe ba gác máy bắt đầu xuất hiện trên đường phố vào khoảng năm 1960. Xuất phát từ nhu cầu cần giảm bớt sức lao động khi vận chuyển hàng bằng xe ba gác đạp, lúc đầu xe được trang bị bằng động cơ Sachs 49cc hai số tay. Đến năm 1970 nhiều người đã cải tiến bằng máy Puch cũng 49cc.

Từ năm 1995 đến nay, hầu hết ba gác máy đều được gắn máy Honda 100cc để có thể chở được nhiều hàng. Anh B.H., ngụ tại khu Xóm Chùa (P.Tân Định Q1) - một người có thâm niên hàng chục năm trong nghề ba gác máy - cho biết trước 1975 loại xe này không cần đăng ký biển số vì thường chạy ở cự ly gần và chở hàng gọn nhẹ nên ít xảy ra tai nạn.

Từ 1975 đến năm 2000, do thiếu phương tiện vận chuyển, đồng thời phí chuyên chở bằng ba gác máy rẻ, cơ động, có thể vào được những nơi xe bốn bánh không thể vào nên ba gác máy trở thành phương tiện tối ưu. Mấy năm gần đây, nhiều tai nạn do ba gác máy gây ra đã làm cho nhiều người lo ngại, hơn nữa trật tự giao thông bị ảnh hưởng khá nhiều nên xe ba gác đã bị CSGT cấm lưu thông trên rất nhiều tuyến đường.

Một loại phương tiện khác, xe Lambro (xe Lam) có mặt cùng thời với ba gác máy nhưng đây là loại xe được nhập từ Ý. Ban đầu xe Lambro được sử dụng làm xe chở khách. Sau hàng chục năm hoạt động, độ an toàn của loại xe này không còn đảm bảo nên được chuyển thành xe tải và sau đó chúng mất dần trên đường phố.

Tuy nhiên hiện nay ở khu vực quận Bình Tân và Tân Phú, xe lam được dùng để chở nhiều kiện hàng cao ngất ngưởng có khi đèo thêm cả người ngồi trên những đống hàng ấy. Xét về mức độ nguy hiểm, xe lam chở hàng như thế sẽ làm cho trọng tâm của xe lên cao và rất dễ lật. Thực tế đã có nhiều tai nạn xảy ra.

Trên quốc lộ 22 đoạn từ Củ Chi về chợ nông sản Tân Xuân, hàng ngày có khá nhiều xe gắn máy kéo theo rơ-moóc chở rau củ. Khi chế tạo chiếc xe Honda SS 67, nhà sản xuất chỉ cho phép trọng tải 100kg (2 người ngồi) nhưng khi đến tay người sử dụng, chiếc xe này đã lôi được rơ-moóc gấp 10 lần tải trọng cho phép. Với sức chở như thế, độ an toàn của xe đã không còn đảm bảo và việc lật xe giữa quốc lộ là chuyện thường xảy ra.

Sau 1975, các loại xe này đã được quản lý chặt chẽ có tổ chức, nhưng dần dà việc quản lý bị buông lỏng bởi sự có mặt khá nhiều các loại phương tiện vận chuyển hiện đại khác được nhập vào. Không thể phủ nhận tiện ích của xe thô sơ trong giai đoạn bao cấp và là phương tiện làm ăn sinh sống của nhiều người lao động nghèo.

Tuy nhiên trong tình hình mật độ xe cộ lưu thông trên đường phố lên đến mức quá tải thì sự hiện diện của chúng trở thành vật cản nguy hiểm và thường xuyên gây tai nạn.

Theo quy định của CSGT, các loại phương tiện này phải được kiểm tra định kỳ để được cấp phép lưu hành và lái xe phải có giấy phép lái xe loại A3, nhưng dường như không một xe nào có mặt trên đường phố đáp ứng được các điều kiện này. Một cán bộ CSGT cho biết với những phương tiện như thế, người điều khiển thường là người lao động lam lũ. Phạt thì không nỡ mà cho đi thì lại không phải phép. Cuối cùng cũng đành bấm bụng đưa phương tiện về cơ quan.

Nhiều người vẫn cho rằng đây là các loại phương tiện nhỏ không đáng quan tâm nhưng nếu cứ xem là chuyện nhỏ mà không có một biện pháp hữu hiệu nào, chắn chắn sẽ còn tiếp tục xảy ra tai họa cho người đi đường và chính bản thân người điều khiển các loại xe thô sơ.

LÊ DU AN 

Tin cùng chuyên mục