Đang vào mùa nắng nóng, tại TPHCM nhiều trẻ em được cha mẹ đưa đến các hồ bơi để giải nhiệt. Ngoài ra, ở các quận ven và huyện ngoại thành, nhiều trẻ em lại rủ nhau ra sông, rạch tắm. Nhiều trẻ chưa biết bơi, nguy cơ tai nạn sông nước có thể đến bất cứ lúc nào và còn thêm nguy cơ mắc bệnh do nhiều sông rạch ô nhiễm nặng.
Tai họa khó lường
Hàng ngày, từ 3 giờ đến 6 giờ chiều, người qua lại trên đường Võ Văn Kiệt không khỏi thót tim khi thấy từng nhóm trẻ tụ tập thi nhau nhào lộn xuống kênh Tàu Hủ. Mỗi chiều, trước Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (Bến Vân Đồn, quận 4), nhiều em thi nhau bơi dưới sông, thu hút rất đông học sinh tan học hiếu kỳ kéo ra bờ kênh xem và cổ vũ. Đoạn kênh gần cầu Kênh Xáng (nối quận 8 và huyện Bình Chánh), cũng thường có nhiều trẻ em ra bơi lội, đùa giỡn trong khi đoạn kênh này rất sâu, hàng ngày có nhiều thuyền bè lớn nhỏ qua lại, sóng lớn, rất dễ gây tai nạn. Nhiều nơi khác cũng thường xuyên có tình trạng trẻ em trốn gia đình ra bơi lội, xem thường hiểm họa sông nước và đã xảy ra nhiều vụ chết đuối như ở hồ Đá (Thủ Đức), sông Giồng Ông Tố (quận 2)…
Chiều thứ sáu 29-3, chúng tôi chứng kiến tại cầu bộ hành số 9 (địa bàn phường 5, quận 5) nhiều trẻ em leo lên cầu thi nhau phóng xuống mặt nước từ độ cao hơn 10m rồi bơi lội ngụp lặn dưới dòng kênh đục ngầu, hôi hám. Các em đa phần đều còn nhỏ, hiếu động, chưa ý thức được hiểm họa đang rình rập nên thách đố nhau, trổ tài làm xiếc để nhận sự cổ vũ của bạn bè. Các em còn chơi trò kéo chân, nhấn đầu bạn xuống nước, dễ xảy ra tai nạn chết đuối.
Cách đó chưa đầy 100m, hơn 6 trẻ thi nhau bơi từ bên bờ sông quận 8 (đường Ba Đình) sang bờ bên quận 5 (đường Võ Văn Kiệt). Cạnh nơi các em đang bơi, một phụ nữ bán nước bên bờ kênh quận 8 thản nhiên ném những bịch ni lông đầy rác và vỏ dừa xuống sông. Mặc dù hai bên bờ kênh Tàu Hủ đã được chỉnh trang, xây bờ kè, lòng kênh đã được nạo vét nhưng nạn tùy tiện xả rác xuống kênh vẫn tiếp diễn. Vào buổi tối, các quán nhậu ven kênh trên đường Ba Đình vẫn tuôn rác, thức ăn thừa xuống kênh.
Ông Hà Văn Luyện (ngụ đường Ba Đình, quận 8) cho biết: “Gần đây, trời nắng nóng, nhiều trẻ em ra kênh bơi lội, rất nguy hiểm. Cha mẹ đi làm cả ngày không hay con cái đi tắm kênh, cũng không nhắc nhở con cảnh giác. Thật đáng lo ngại!”. Thật vậy, tại các quận 7, 8, Thủ Đức và các huyện Nhà Bè, Bình Chánh… có nhiều trẻ là con em các gia đình từ các tỉnh về TPHCM ở trọ kiếm sống. Cha mẹ tất bật lao động không có thời gian chăm sóc, dạy dỗ nên để mặc trẻ ra sông nước, không ý thức rằng ngoài nguy cơ tai nạn chết đuối, việc bơi lội trong kênh rạch bị ô nhiễm rất dễ mắc những bệnh truyền nhiễm qua da như nổi mụn, viêm ngứa, nhiễm trùng… Ngoài ra, nước bẩn vào mũi, miệng gây ra viêm đường ruột, hô hấp.
Biện pháp cần thiết
Để giảm nguy cơ chết đuối ở trẻ em, vấn đề quan trọng nhất là nâng cao ý thức trách nhiệm và cẩn trọng của cha mẹ, bởi lơ là đối với trẻ đồng nghĩa với thảm họa chết đuối có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Khi cho trẻ sinh sống, vui chơi gần nơi sông nước, cha mẹ phải luôn để con trong tầm quan sát của mình. Ngoài việc thường xuyên giám sát con cái, cha mẹ cần chủ động dạy trẻ em biết bơi và giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước.
Bên cạnh đó, các trường học cần quan tâm thực hiện có hiệu quả chương trình phổ cập bơi lội cho học sinh, dạy kỹ năng sống và kỹ năng an toàn dưới nước, từng bước đưa môn bơi an toàn vào chương trình học tập, đẩy mạnh xã hội hóa việc dạy bơi để phòng chống nguy cơ trẻ em chết đuối.
Theo thống kê của Bộ Y tế, nước ta bình quân mỗi năm có đến 3.500 trẻ em chết đuối, chiếm 50% số vụ tai nạn tử vong ở trẻ em, là nước có tỷ lệ trẻ em chết đuối cao nhất trong khu vực. Gần đây liên tục xảy ra các vụ tai nạn có nhiều trẻ em cùng chết đuối, mới đây nhất là các vụ: 3 trẻ chết đuối ở phường Bửu Long (TP Biên Hòa, Đồng Nai) vào ngày 23-3; 2 trẻ chết đuối ở Quảng Nam ngày 24-3; 3 học sinh chết đuối ở Quảng Trị ngày 30-3…
| |
Anh Tuấn