Chiều 21-5, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội.
Tại tổ TPHCM, nhiều đại biểu có chung đề nghị đưa dự án Luật Biểu tình vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8. Đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa phân tích: “Vừa qua, trước tình hình Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc quyền chủ quyền Việt Nam, người dân có nhu cầu biểu tình, nhưng chúng ta lại chưa có khung pháp lý cho hoạt động này. Vì chưa có luật nên lúng túng, gây ra bất cập. Đây là một ví dụ hết sức điển hình”.
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, việc xây dựng pháp luật có thể huy động sự đóng góp của các ngành, các giới chứ không chỉ dựa hoàn toàn vào Chính phủ. “Tôi cho rằng Hội Luật gia, Đoàn Luật sư sẽ sẵn sàng đóng góp công sức vào việc xây dựng Luật Biểu tình”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.
Đây cũng là quan điểm của ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng). Theo ĐB Thuyền, quyền biểu tình dù đã được Hiến pháp 1992 quy định nhưng đến nay còn chưa được đưa vào chương trình dự kiến là một bất hợp lý. Một ví dụ khác về sự bất hợp lý trong thứ tự xây dựng pháp luật đã được ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) nêu rõ. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận xét: “Giám sát là mảng hoạt động rất quan trọng của Hội đồng nhân dân, nhưng cho đến nay vẫn chưa có luật. Chương trình làm luật lần này lại để luật này quá xa, cần đẩy tiến độ lên, để thông qua cùng lúc với Luật Giám sát Quốc hội”.
Bày tỏ bức xúc trước tình trạng “nợ đọng” văn bản và chưa được phân tích nguyên nhân, chưa có giải pháp dứt điểm, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng cần phải thay đổi tận gốc cung cách làm luật hiện nay để đảm bảo đáp ứng kịp thời những nhu cầu cấp bách của xã hội, tránh tình trạng dễ làm trước, khó để lại sau. “Luật không đạt chất lượng thì không được trình ra Quốc hội, đúng rồi, nhưng khi đó thì trách nhiệm của cơ quan soạn thảo luật như thế nào? Phải có chế tài dứt khoát”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu.
Đồng tình với quan điểm này, ĐB Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, bình luận: “Quốc hội còn bị động trong việc làm luật. Cái gì Chính phủ trình thì Quốc hội mới bàn, không có thì chưa bàn”. ĐB Trần Du Lịch kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật theo nhóm vấn đề để đảm bảo tính tập trung, thống nhất.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng luật có “tuổi thọ” ngắn ngủi, ĐB Trần Du Lịch đề nghị một cách làm luật mà theo ông là thực chất hơn, thể hiện vai trò của Quốc hội rõ nét hơn: “Tôi nghĩ tại kỳ họp đầu cho ý kiến, Quốc hội phải bàn thảo, quyết định cho được chủ thuyết, luận điểm căn bản nhất của dự án luật. Ý kiến khác nhau phải tranh luận đến cùng và biểu quyết chứ đừng chờ Chính phủ trình rồi mới bàn. Nếu không thì sẽ còn làm, sửa liên tục”.
ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) cũng cho rằng, cứ theo chương trình thì một số luật cần gấp lại chưa làm, luật chưa thật sự cấp thiết thì lại làm trước và đề nghị trong tình hình hiện nay nên đưa vào chương trình xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
| |
ANH THƯ - NGỌC QUANG - LÂM NGUYÊN
Nhà hàng nổi, thuyền du lịch cần phải đăng ký, đăng kiểm
Sáng 21-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ).
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông ĐTNĐ, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, một số ĐBQH đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm trong trường hợp xảy ra tai nạn do lỗi kỹ thuật của phương tiện thủy nội địa vừa được đăng kiểm xong. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, phương tiện vừa được đăng kiểm xong mà xảy ra tai nạn do lỗi kỹ thuật thì tùy theo mức độ, tổ chức, cá nhân đăng kiểm sẽ bị xử lý trách nhiệm dân sự, hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật. Do đó, đề nghị không bổ sung quy định này vào dự thảo luật.
Dự thảo luật lần này cơ bản nhận được sự đồng tình của các ĐBQH. Tuy nhiên, góp ý thêm về các vấn đề cụ thể, ĐB Trần Dương Tuấn (Bến Tre) đề nghị phải có thời hạn quy định phương tiện phải đăng ký, đăng kiểm, tránh tình trạng phương tiện hoạt động rất lâu mà chưa thực hiện đăng ký, đăng kiểm. ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề xuất cần quy định yêu cầu mua bảo hiểm bắt buộc đối với tất cả các phương tiện, vì đây là lĩnh vực có nhiều rủi ro, mua bảo hiểm để khi xảy ra tai nạn, đỡ tổn thất cho xã hội. Đồng thời, ĐB đề nghị phải có đăng ký, đăng kiểm đối với các loại nhà hàng nổi, thuyền du lịch trên sông, biển, vì hiện nay nhiều gia đình tự mua thuyền để kinh doanh, rủi ro cao.
Từ thực tế nhiều trường hợp gây tai nạn giao thông đường bộ do rượu bia, đại biểu Phạm Thị Mỹ Ngọc (Ninh Bình) đề nghị cần cấm chặt chẽ việc người điều khiển phương tiện thủy có sử dụng rượu bia, bởi phương tiện thủy chở nhiều người khi gặp tai nạn, hậu quả rất nghiêm trọng.
ĐB Nguyễn Thanh Bình (Vĩnh Long) cho rằng, giao thông ĐTNĐ sẽ dần mất đi khi đường bộ phát triển, nhưng hiện nay đó vẫn là phương tiện chủ đạo ở vùng sông nước, nguy cơ tai nạn vẫn cao. Vì vậy, về đăng ký phương tiện, cần có phân cấp mạnh hơn, theo hướng đăng kiểm phương tiện có thể giao cho cấp tỉnh nhưng đăng ký thì nên giao cho cấp huyện, cấp xã để nắm sát.
Chốt lại buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục chỉnh lý các vấn đề đã được đại biểu nêu, như quy định đăng ký bến bãi dân sinh, làm sao để không có thêm nhiều thủ tục rườm rà cho người dân; quan tâm đến yếu tố vùng miền, cần đăng ký đăng kiểm cho các phương tiện đan xen hoạt động trên sông. Cùng với đó là bổ sung các quy định trách nhiệm của cơ quan tổ chức để có giải pháp ứng phó kịp thời, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân...
Trong chương trình làm việc sáng 21-5, từ 10 giờ 15, Quốc hội họp riêng thảo luận tại các đoàn đại biểu Quốc hội về tình hình biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; chủ trương và giải pháp của Việt Nam.
PHAN THẢO