Xét tuyển sau nguyện vọng 1: Có nhiều cơ hội?

Trường công sẽ khốc liệt
Xét tuyển sau nguyện vọng 1: Có nhiều cơ hội?

Thống kê từ Cục Khảo thí của Bộ GD-ĐT cho thấy, cả nước có 272 trường đại học (ĐH) có số thí sinh đạt từ mức điểm sàn trở lên ở các khối A, B, C, D. Tuy nhiên, với kết quả điểm thi khá cao như năm nay liệu thí sinh có cơ hội vào ĐH ở những ngành nghề mình yêu thích?

Cổng trường đại học đang chờ đón các thí sinh. Trong ảnh: Những gương mặt vui tươi của thí sinh dự thi vào Đại học Sài Gòn. Ảnh: MAI HẢI

Cổng trường đại học đang chờ đón các thí sinh. Trong ảnh: Những gương mặt vui tươi của thí sinh dự thi vào Đại học Sài Gòn. Ảnh: MAI HẢI

Trường công sẽ khốc liệt

Trong số 272 trường ĐH có số thí sinh dôi dư, đạt từ điểm sàn trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng (NV) 1. Khối A có 76 trường ĐH, như ĐH Công nghiệp Hà Nội có số dư khoảng 9.608 thí sinh; ĐH Cần Thơ 8.770 thí sinh; Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM 7.453 thí sinh. Khối A1, cả nước có 53 trường ĐH có số dư thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên, như ĐH Sài Gòn dư 2.588 thí sinh, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM dư 2.463 thí sinh, ĐH Tài chính Marketing TPHCM dư 2.050 thí sinh. Ở khối B, có 55 trường ĐH có số dư trên sàn so với chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó, ĐH Y dược TPHCM dẫn đầu với số dư 8.956 thí sinh, tiếp đến là ĐH Nông nghiệp Hà Nội 8.920 thí sinh và ĐH Nông lâm TPHCM dư 7.963 thí sinh. Khối C có 27 trường có số dư trên điểm sàn so với chỉ tiêu tuyển sinh: ĐH Cần Thơ: 2.277 thí sinh; ĐH Luật Hà Nội: 1.396 thí sinh và ĐH Luật TPHCM 1.303 thí sinh. Đối với khối D, cả nước có 61 trường có số dư trên sàn so với chỉ tiêu tuyển sinh như ĐH Sài Gòn dẫn đầu với 4.975 thí sinh; ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) dư 3.142 thí sinh và ĐH Hà Nội dư hơn 2.600 thí sinh.

Mặt khác, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, ở hệ ĐH số dư trên sàn là 238.726 thí sinh (năm 2012 là 141.000 thí sinh). Làm phép tính so sánh đơn giản, chắc chắn nguồn tuyển sau NV1 năm 2013 gần gấp đôi so với năm 2012. Tuy nhiên, thử nhìn vào mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển sau NV1 ở hàng loạt trường công lập thì cơ hội của thí sinh ở cuộc đua “vớt” vào trường ĐH công lập sẽ rất gay gắt.

Tại TPHCM, hàng loạt trường điểm chuẩn NV1 cao từ 2 - 5 điểm so với năm 2012 nhưng vẫn tiếp tục tham gia “vớt” thí sinh ở sau NV1. Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM dành tới 1.000 chỉ tiêu sau NV1 cho tất cả các ngành. Trong đó, nhiều ngành có điểm nhận hồ sơ từ 18,5 - 20,5 điểm. Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM dành 200 chỉ tiêu nhưng mức điểm nhận hồ sơ thấp nhất là 26 điểm. Trường ĐH Nông lâm TPHCM dành đến 620 chỉ tiêu cho 19 ngành (cơ sở chính tại TPHCM) với điểm nhận hồ sơ từ 15 - 17 điểm. Trường ĐH Ngân hàng xét tuyển 680 chỉ tiêu cho tất cả các ngành với điểm nhận hồ sơ từ 16,5 - 17,5 điểm…

Trường tốp dưới rộng cửa

Với mức điểm xét tuyển như trên, rõ ràng nếu thí sinh không có sự cân nhắc và thận trọng khi nộp hồ sơ xét tuyển sau NV1 ở nhiều trường tốp trên và tốp giữa sẽ mất cơ hội. Ngược lại, với những trường tốp dưới (trường đại học địa phương và đại học ngoài công lập) cơ hội trúng sau NV1 của thí sinh sẽ rộng mở hơn nhiều.

Trường ĐH Tây Nguyên xét tuyển 255 chỉ tiêu hệ ĐH 9 ngành với điểm nhận hồ sơ bằng điểm sàn các khối A, B, C, D. ĐH Cần Thơ xét tuyển 910 chỉ tiêu cho 16 ngành, trong đó, chỉ ngành kinh doanh thương mại: 15,5 điểm (khối A, A1), 16 điểm (khối D), quản trị kinh doanh: 13,5 (khối A, A1), 14 điểm (khối D), những ngành còn lại nhận hồ sơ bằng điểm sàn. Trường ĐH An Giang xét tuyển 630 chỉ tiêu sau NV1 cho 25 ngành với điểm xét tuyển từ điểm sàn trở lên. Trường ĐH Trà Vinh xét tuyển đến 1.195 chỉ tiêu sau NV1 cho 10 ngành, trong đó, duy nhất ngành sư phạm mầm non có điểm xét tuyển 15,5 điểm (khối C), 14,5 điểm (khối D) và 16,5 điểm (khối M), những ngành còn lại đều có mức điềm xét tuyển bằng điểm sàn các khối A, B, C, D.

Tại phía Bắc, các trường ĐH thành viên của ĐH Thái Nguyên xét tuyển đến 3.123 chỉ tiêu. Duy nhất, Trường ĐH Sư phạm có điểm nhận hồ sơ từ 16 - 17,5 điểm, những trường thành viên còn lại đều có mức điểm xét tuyển bằng điểm sàn các khối A, A1, B, C, D năm 2013.

Đáng nói hơn, với những trường ngoài công lập trên cả nước, cơ hội luôn rộng mở cho tất cả thí sinh đạt từ điểm sàn hệ ĐH va CĐ năm 2013. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành xét tuyển 450 chỉ tiêu cho 13 ngành với điểm chuẩn bằng điểm sàn, trong đó ngành dược sĩ có điểm nhận hồ sơ là 16 điểm. Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TPHCM xét tuyển 2.500 chỉ tiêu, ĐH Kinh tế Tài chính xét tuyển 1.000 chỉ tiêu, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng xét tuyển 1.680 chỉ tiêu, ĐH Dân lập Hải Phòng 2.425 chỉ tiêu.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT: “Thí sinh tham gia xét tuyển sau NV1 cần lưu ý những điểm sau: mốc thời gian xét tuyển, chỉ tiêu và điểm nhận hồ sơ xét tuyển của các trường ở từng ngành. Thí sinh cần bình tĩnh và tính toán kỹ khi nộp hồ sơ vào các trường công lập có chỉ tiêu xét tuyển ít. Nếu không vô tình sẽ sập bẫy vì phần lớn thí sinh có điểm cao sẽ chen chân nhiều vào suất còn lại ở các trường công lập”.

Theo mức điểm sàn năm 2013, số lượng thí sinh trên điểm sàn rất lớn. Cụ thể, hệ ĐH 323.681 chỉ tiêu, số thí sinh đạt điểm sàn trở lên là 562.449. Số dư so với mức điểm sàn là 238.768 thí sinh (năm 2012 là 141.000 thí sinh, tăng gần 100.000 thí sinh). Hệ CĐ, chỉ tiêu 256.886, số thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên là 419.291 và số dư là 162.405 thí sinh.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục