Tuần qua, Văn phòng Thích ứng với biến đổi khí hậu TPHCM phối hợp với Trường Đại học Hoa Sen và Đại sứ quán Thụy Điển đã tổ chức hội thảo “Đổi mới sáng tạo của Thụy Điển, thúc đẩy sáng tạo toàn cầu”. Như phần lớn hội thảo về môi trường, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã chỉ ra rằng, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng trong các lĩnh vực về phát triển bền vững. Tại hội thảo nêu trên, tiềm năng của Việt Nam được nhiều học giả tập trung nói đến là các dạng năng lượng tự nhiên, thân thiện với môi trường. Điện gió, điện nhiệt mặt trời, điện được sản xuất từ các phế phẩm của nông nghiệp…
Tuy nhiên, bao giờ cũng chỉ dừng ở đó bởi đa phần cũng mới là… tiềm năng. Việt Nam đã xây dựng một số nhà máy điện gió ở Cà Mau, Bình Thuận… nhưng lượng điện các nhà máy này sản xuất ra chưa nhiều, chưa đóng góp đáng kể cho nguồn năng lượng điện chung toàn quốc. Tại TPHCM, bãi rác Gò Cát sau khi đóng cửa, không tiếp nhận rác cũng đã được sục lấy khí gas để sản xuất điện. Nguồn điện năng từ rác đã từng được ngành điện mua và hòa vào mạng điện chung của quốc gia…
Thế nhưng, chúng vẫn vô cùng nhỏ bé trước năng lực của chính mình và nhu cầu phát triển bền vững của đất nước. Hàng loạt nguyên nhân cũng đã được chỉ ra: chi phí sản xuất điện thân thiện với môi trường như gió, khí sục từ rác… cao hơn nhiều so với chi phí sản xuất ra điện từ thủy điện, nhiệt điện…
Nhà nước không có cơ chế hỗ trợ, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này rất khó tồn tại và phát triển. Bệnh đã định, thuốc cũng đã được kê toa… Thế nhưng, từ nhiều năm nay, trong rất nhiều hội thảo, “bài ca cũ”: tiềm năng dồi dào nhưng chưa được khai thác đúng mức vẫn được nhắc đi nhắc lại. Dường như tâm tư, trăn trở của các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này chưa được ngành chức năng lắng nghe hoặc lắng nghe chưa đầy đủ? Mong rằng những tâm tư nêu trên đều được lắng nghe để tiềm năng có thể biến thành hiện thực, để Việt Nam có thể phát triển bền vững như nhiều nước trên thế giới.
TÂM ĐỨC