Lâu nay, nhiều địa phương nóng lên chuyện tranh chấp đất đai, mà bức xúc nhất là tranh chấp giá bồi thường, giải tỏa. Gần như nơi nào, quận nào, tỉnh nào cũng có khiếu nại về đất đai. Một số tỉnh thống kê cho thấy, hồ sơ khiếu nại về đất đai chiếm gần 80% tổng số hồ sơ khiếu nại của cả tỉnh. Nguyên nhân, do cơ chế, quy định pháp luật và quy trình thực thi có quá nhiều bất cập.
Bất cập đầu tiên là giá đền bù. Giá đền bù đối với dự án công trình công cộng (đường, trường, bệnh viện…) bị “ấn” bồi thường bằng giá trong khung giá Nhà nước ban hành. Trong khi, bảng giá đất nhà nước chỉ bằng 1/3 giá thị trường. Còn nếu quy hoạch dự án thương mại thì các bên được thỏa thuận giá bồi thường theo cơ chế thị trường. Như vậy, nếu ai bị rơi vào quy hoạch công trình công cộng thì chịu thiệt thòi. Nắm được điểm “chênh” này, không ít chủ đầu tư dự án thương mại câu kết với chính quyền triển khai dự án công cộng để đền bù cho dân thấp, sau khi dân đi hết thì lập hồ sơ chuyển đổi thành dự án thương mại. Không ít trường hợp, một số diện tích trong dự án thương mại khó thỏa thuận giá đền bù, chủ đầu tư “chạy” sửa quy hoạch bằng cách bóp nhỏ hoặc thay đổi vị trí đất của người khiếu nại thành đất công cộng để chèn ép giá (nhưng vẫn nằm trong tỷ lệ sử dụng đất chung của toàn dự án)!
Bất cập thứ hai là hạn chế quyền của dân khi đất rơi vào quy hoạch. Nếu không bị quy hoạch thì các loại đất có nguồn gốc sang nhượng bằng giấy tay, đất khai phá, thậm chí lấn chiếm đất công nếu sử dụng ổn định, nộp thuế đầy đủ thì sẽ được cấp sổ đỏ, được lên thổ cư, xây dựng hợp pháp. Thế nhưng, nếu rơi vào quy hoạch thì mọi quyền lợi sẽ bị hạn chế: không được xây dựng chính thức, không được bồi thường (nếu đất chưa có sổ đỏ) mà người sử dụng chỉ được hỗ trợ với mức giá tượng trưng. Trong khi đó, nhiều dự án quy hoạch “treo” hàng chục năm không thực hiện, khiến đất bỏ không, dân muốn nhận tiền đền bù, hỗ trợ để “an cư lạc nghiệp” nơi khác cũng không được. Có dự án đã giao cho chủ đầu tư rồi nhưng nhiều năm không đền bù, Nhà nước thu hồi, giao cho chủ đầu tư mới, rồi bỏ quên quyền lợi của dân đã bao năm chờ đợi…
Cuối cùng là bất cập trong thực thi đền bù, giải tỏa. Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn đã sử dụng không biết bao nhiêu từ “Phải có xác nhận của UBND cấp phường, xã” trong đền bù, giải tỏa. Xác định thời gian xây dựng, thời gian lấn chiếm, thời gian sinh sống… đều phải có xác nhận của phường, xã. Điều đó đã biến chủ tịch UBND cấp phường, xã “to” hơn luật. Muốn nhận được đền bù (giá cao hơn) mà đất chưa có sổ đỏ, phải có xác nhận của UBND phường, xã. Trong khi đó, những dữ liệu này không có, không được lưu trữ chính thống, nên việc xác nhận đó dựa vào… “biết điều”! Rồi diện tích bao nhiêu mét mới được tái định cư căn hộ, hoặc nền đất, cũng dựa vào UBND phường, xã xác nhận. Đất thực tế rộng nhưng chưa có giấy tờ nên phường có thể loại ra một ít đất công, đất lấn chiếm là “rớt dưới khung”, có nghĩa là mất suất tái định cư. Ngay cả các dự án thương mại cũng thế, quyền của phường xã quá lớn nên các chủ đầu tư bắt tay với lãnh đạo phường xã trong giải tỏa, đền bù.
Nhiều lần đoàn giám sát Quốc hội cũng đã nghe, đã bức xúc, thế nhưng đến nay việc sửa đổi các quy định bất cập, cũng như việc giám sát thực thi chính sách trong công tác đền bù, giải tỏa vẫn chưa đi vào thực chất.