Xoay chiều hay chạy đua theo TPP?

Trước việc Tổng thống Indonesia Joko Widodo cam kết sẽ đưa nền kinh tế mở với 250 triệu dân tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Nhật Bản hoan nghênh sự tham gia của Hàn Quốc và hứa giúp Thái Lan gia nhập TPP...

Trong một tuyên bố ngắn gọn ngày 6-11, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố: “Trung Quốc đang tiến hành đánh giá một cách đầy đủ và có tính hệ thống về những tác động của thỏa thuận này”. Tháng trước, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành khẳng định, nước này không cảm thấy bị đe dọa bởi thỏa thuận mà các bộ trưởng thương mại của Mỹ và 11 quốc gia khác mới đạt được hôm 5-10, song sẽ đánh giá những tác động tiềm tàng một cách toàn diện.

Việc TPP có đe dọa lợi ích kinh tế của Trung Quốc hay không, ở phạm vi và mức độ nào thì vẫn còn là những phân tích, dự đoán. Tuy nhiên, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh có lẽ bắt đầu nhận thấy những trở ngại đầu tiên. Trong khi dự án đường sắt Trung Quốc - Thái Lan đang tạm ngừng khi vòng đàm phán mới nhất diễn ra vào cuối tháng 10 vừa qua, hai bên vẫn chưa nhất trí được các điều khoản tín dụng và thành lập công ty liên doanh xây dựng đường sắt xây dựng hai tuyến đường sắt từ cửa khẩu Noong Khai đến tỉnh Rayong và từ tỉnh Saraburi đến thủ đô Bangkok, thì với cam kết giúp Thái Lan tham gia TPP, Nhật Bản đã không bỏ lỡ cơ hội thúc đẩy hợp tác với các dự án phát triển đường sắt của Thái Lan, trong đó có dự án xây dựng tuyến đường sắt mới nối miền Đông với miền Tây Thái Lan. Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak dự kiến sẽ thăm Nhật Bản vào cuối tháng này để bàn chuyện làm ăn.

Mặc dù ban đầu phản đối TPP, song giờ đây, các nhà hoạch định Trung Quốc cho rằng nên “cởi mở” với ý tưởng gia nhập hiệp định này. Tờ bán nguyệt san “Thời báo Học tập” (Study Times) mới đây cho rằng, Bắc Kinh nên tìm thời điểm thích hợp tham gia TPP vì các mục tiêu phổ quát của hiệp định này, trong đó có cải cách hành chính và bảo vệ môi trường, cũng là điều mà Trung Quốc hướng tới. Tờ báo này nhấn mạnh cần phải xem xét cẩn trọng tác động của TPP tới các ngành công nghiệp quốc doanh của Trung Quốc vì vai trò then chốt của các ngành này trong nền kinh tế.

Việc TPP thiếu vắng sự hiện diện của Trung Quốc đã gợi lên nhiều câu hỏi. Trong đó, liệu Trung Quốc có phản ứng lại bằng các khối thương mại cạnh tranh tương tự, từ đó phá vỡ sự kiềm chế quốc gia này trong lĩnh vực kinh tế hay không? Một tuần sau ngày Mỹ và các nước tham gia TPP hoàn tất đàm phán, Trung Quốc cũng đã xúc tiến một hiệp định thương mại khu vực khác nhằm gia tăng ảnh hưởng về mặt kinh tế, đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - một hiệp định thương mại tự do ở châu Á do Trung Quốc khởi xướng bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ cùng 14 quốc gia Đông Á. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh rằng TPP và RCEP có cùng mục tiêu là mở rộng thị trường kinh tế châu Á, tạo thuận lợi cho các nước trong khu vực khi trao đổi hàng hóa - đều là những bước quan trọng, đặt nền tảng cho một bản hiệp định thương mại tự do cho toàn vùng châu Á - Thái Bình Dương sẽ thành hình trong tương lai.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục