Xoay vòng

Sự kiện ĐH FPT đưa “trinh tiết” - một trong những đề tài đang nóng và nhạy cảm hiện nay vào đề thi tuyển sinh Văn đầu cấp tại 3 thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM mấy ngày qua đã gây chú ý trong dư luận.

Sự kiện ĐH FPT đưa “trinh tiết” - một trong những đề tài đang nóng và nhạy cảm hiện nay vào đề thi tuyển sinh Văn đầu cấp tại 3 thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM mấy ngày qua đã gây chú ý trong dư luận.

Khoan nói đến tính hiệu quả của nó, ít ra cho đến khi kết quả xét tuyển được công bố, đề thi phần nào đã đạt được hai yếu tố sáng tạo và đột phá - một trong những mục tiêu giáo dục Việt Nam đang hướng đến. Trước đó chưa lâu, dư luận từng biết đến nhiều đề thi Văn “độc đáo” khác như: trình bày quan điểm của anh/chị về cách sống của một bộ phận giới trẻ hiện nay qua hình ảnh người thanh niên có biệt danh “Kẹo mút chơi bời” trên trang mạng facebook vô cảm trước cái chết của đồng loại và tấm gương về anh Trần Đỗ Huy, người chỉ còn duy nhất ngón tay út lành lặn vẫn dành tất cả sức lực cuối cùng giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh khác trong đề kiểm tra Văn học kỳ 1 của thầy và trò Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM). Hay những đề Văn thực tế khác như “Tại sao lại không?”, “Điều em muốn nói với cô”, “Người ấy đối với tôi”… của cô Đặng Nguyệt Anh, giáo viên dạy Văn, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam từng được báo chí giới thiệu.

Mặc dù những đề thi lạ như thế chưa nhiều, chủ yếu xuất hiện ở những kỳ thi không quan trọng, bó hẹp trong phạm vi một, hai đơn vị trường học nhỏ lẻ. Tuy nhiên, yếu tố mới lạ và phá cách của nó đã phần nào gây được sự thích thú và hứng khởi trong dư luận. Sáng tạo mới dừng lại ở sự manh nha, tự phát, người học vẫn ngày ngày phải đối diện với những đề thi sáo mòn, thiếu tính đột phá, năm này qua năm khác vẫn “chạy” tốt.

Rõ ràng ở đây đang tồn tại một nghịch lý. Trong khi đề cao tính sáng tạo, đột phá, hướng đến xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, trong đó khuyến khích người học bày tỏ cái tôi, dám nói lên quan điểm, suy nghĩ của mình trước những vấn đề của cuộc sống, chúng ta lại rụt rè trước những đổi mới.

Dễ nhận thấy điều này qua đáp án các kỳ thi Văn năm nào cũng bị kêu là chi li đến từng centimet, thơ, văn trích dẫn thí sinh không được sai dù là dấu chấm, dấu phẩy, ý tứ ngàn bài thi như một, khác chăng chỉ là cách diễn đạt. Đó là chưa kể hàng loạt “cải lùi” khó hiểu khác của những người làm công tác giáo dục như: giảm tải chương trình năm nào cũng được đề cập đến nhưng càng giảm học sinh càng quá tải; chỉnh lý sách giáo khoa ngót chục năm, tốn kém biết bao nhiêu thời gian, ngân sách, song cuối cùng vẫn quay về cái cũ; quy định tuyển thẳng học sinh đoạt giải quốc gia vào các trường đại học hết bỏ lại giữ khiến người dạy hoang mang, thí sinh thấp thỏm.

Nhìn lại chặng đường đã qua, đồ thị phát triển của chúng ta cứ mãi xoay vòng trong cái gọi là cải cách, đổi mới, đi một vòng sau cùng lại trở về nơi xuất phát, dù lẽ ra đó phải là hình xoắn ốc. Trăm ngàn cuộc hội nghị, hội thảo bàn về phương pháp đổi mới giáo dục đã được tổ chức, song nếu mãi giữ cách làm hiện nay, e rằng có thêm 10, 20 hay 30 năm nữa, nỗi lo vẫn còn nguyên vẹn.

Thanh Thu

Tin cùng chuyên mục