Xông đất đầu năm

Trong phong tục văn hóa của người Việt, việc xông đất đầu năm là yếu tố tinh thần quan trọng. Theo Đại từ điển Tiếng Việt, xông đất là hành vi đến nhà người khác đầu tiên vào ngày mùng 1 Tết Âm lịch, làm cho nhà ấy gặp may mắn hoặc rủi ro suốt cả năm. Rõ ràng theo quan niệm ấy mọi người đều mong muốn người đến xông đất phải là người mang tín hiệu vui, may mắn, đem lại điều tốt lành cho người khác.

Cách đây gần nửa thế kỷ, khi người viết bài này chưa đến tuổi lên mười đã được chứng kiến việc bà con xóm giềng “đăng ký” xông đất ngay từ khi cúng ông Táo lên trời. Cụ Thụy - một người bác họ - đậm đặc phong cách Việt, sinh ra từ cuối thế kỷ thứ 19, từ những năm cuối thập kỷ 50, đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, dường như năm nào cũng đến “đặt hàng” những người “sáng sủa” sáng mùng 1 Tết đến “xông đất”. Bây giờ những người ấy đã trưởng thành, như: N.H.H. (nay là Thượng tướng QĐNDVN), T.V.S. (nay là thạc sĩ, luật gia)…

Rõ ràng, “xông đất” là một nét đẹp văn hóa của người Việt cổ, được lưu truyền và trở thành phong tục của dân tộc Việt. Điều đáng bàn ở đây, là chủ thể xông đất. Theo đó, người đến xông đất trước hết phải là người vui vẻ, may mắn và nếu còn trẻ thì hứa hẹn điều tốt đẹp và nếu đã trưởng thành thì phải là người thành đạt, sống có nghĩa, có tình hoặc được cộng đồng tín nhiệm, quý trọng. Tóm lại đó là người tốt.

Những người tốt ấy, đại diện cho nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc: học giỏi, làm hay, dám hy sinh vì người khác, vì sự phát triển của cộng đồng. Việc phát hiện và tuyên dương những người may mắn, vui vẻ - tốt ấy không chỉ bây giờ mới được chú trọng mà trước đây tổ tiên, ông cha ta đã rất chú trọng. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” – “mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”, không chỉ là ước nguyện của tổ tiên, điều mong đợi của Bác Hồ kính yêu mà còn là một trong các tiêu chí cho cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà chúng ta đang thực hiện.

Chỉ còn ít giờ nữa là đến đêm trừ tịch và đến ngày đầu năm mới Canh Dần – ngày mùng 1 Tết. Mọi gia đình Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt các doanh nghiệp đều mong muốn sáng sớm ngày mùng 1 Tết Âm lịch hoặc ngày đầu năm mới có người vui vẻ, may mắn, hiền tài đến xông đất. Cử chỉ ấy không chỉ biểu hiện của sự kế tục truyền thống văn hóa, mà còn là nét đẹp trong đời sống tinh thần, tôn vinh người tốt, người hiền tài – nhân tố mang tính quyết định cho sự phát triển của xã hội.

Ngày đầu năm mới này, Báo SGGP sẽ là người xông đất các gia đình, cơ quan và doanh nghiệp. Với sự tín nhiệm, yêu mến, sẻ chia và ủng hộ, tin rằng các ấn phẩm và báo điện tử Báo SGGP sẽ là “người” xông đất vui vẻ, may mắn, đem những điều tốt lành đến cho mọi người.

Xông đất đầu năm – nét đẹp văn hóa truyền thống cần được hiểu theo nghĩa rộng, cần được trân trọng, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trần Bảo Trân

Tin cùng chuyên mục