Xu hướng cho con học trường quốc tế ngày càng rõ...

Lượng học sinh tăng
Xu hướng cho con học trường quốc tế ngày càng rõ...

Lượng học sinh tăng

Xu hướng cho con học trường quốc tế ngày càng rõ... ảnh 1

Một tiết mục văn nghệ của học sinh Trường APC.

Sau khai giảng năm học mới, tìm hiểu tại một số trường có yếu tố nước ngoài trên địa bàn TPHCM (được gọi chung là trường quốc tế- QT), chúng tôi ghi nhận số lượng học sinh (HS) tăng vượt bậc so với năm học trước. Đơn cử, Trường Asia Pacific College, từ 200 HS, nay sang năm thứ hai, có hơn 1.000 HS. Trường American International School (quận 1), từ vài chục HS ở nửa năm học đầu (năm ngoái), nay tăng gần 240 HS. Trường tiểu học Bắc Mỹ tăng từ vài chục lên 120 HS… Ở một số trường được thành lập nhiều năm trước (nay đã mở rộng ra nhiều điểm) - và cả những trường mới mở sau này đều thu hút rất đông HS ở TPHCM và các tỉnh.

Hiện nay, cùng với việc du học, xu hướng HS được cha mẹ cho đi học ở các trường QT trong nước ngày càng rõ nét. Nguyên nhân chủ yếu là do xu thế hội nhập và đời sống kinh tế xã hội ngày càng phát triển, khiến nhận thức cuả phụ huynh về đầu tư GD cho con em có nhiều thay đổi. Họ mong muốn con cái được học tập trong môi trường thân thiện, sĩ số ít, cơ sở vật chất tốt, được chăm sóc chu đáo; phương pháp giảng dạy hiện đại và các thiết bị hỗ trợ đồng bộ, giúp HS say mê học tập, biết cách làm việc, năng động và sáng tạo; được giáo dục toàn diện và được học ngoại ngữ với quá trình xuyên suốt… giúp các em chuẩn bị tốt cho hội nhập. Những điều này hầu như chưa thấy, hoặc thấy chưa đầy đủ ở các trường công lập.

Thế nào là trường quốc tế?

Trong các trường có yếu tố nước ngoài ở TP hiện nay (gần 30 trường), có thể chia thành 3 dạng cơ bản:

(1) Trường dạy hoàn toàn chương trình nước ngoài, có sự kiểm định của các tổ chức GD quốc tế, HS được cấp bằng QT. Các trường này chủ yếu dạy cho con em người nước ngoài. Hiện một số trường được phép thí điểm nhận HS VN. (Riêng với HSVN, phải dạy thêm môn tiếng Việt (với HS tiểu học, trung bình học 2 tiết/ngày); và môn văn, sử, địa VN (với HS trung học, học 2 tiết/tuần). Tuy nhiên, HS không phải thi các môn này, và không được cấp bằng tốt nghiệp của Bộ GD- ĐT VN).

(2) Trường dạy song song chương trình VN và nước ngoài. Ở chương trình VN, việc học, thi, lấy bằng cấp của Bộ GD-ĐT VN thì theo quy định chung. Ở chương trình nước ngoài, tự đội ngũ chuyên môn của mỗi trường chọn lọc, thiết kế hoặc liên kết với các trường ở nước ngoài xây dựng chương trình theo chuẩn GD của một số quốc gia tiên tiến.

(3) Trường dạy chương trình VN theo quy định chung và dạy tăng cường một số môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh theo giáo trình tự chọn hoặc tự soạn.

Có ý kiến cho rằng, chỉ có trường dạng (1) mới là trường “QT thật” (nhấn mạnh ở yếu tố được các tổ chức GD QT kiểm định và được cấp bằng QT). Tuy nhiên, hiện cả 30 trường nói trên đều được Sở GD-ĐT đưa vào danh mục các trường QT.

Ai cho con học trường quốc tế?

Hiện nay, học phí ở các trường QT có nhiều mức, tùy trường và tùy cấp học, thấp nhất khoảng 180 USD/tháng (1.620 USD/năm), cao nhất khoảng 13.000USD/năm (chưa kể tiền ăn, đồng phục, sách vở, phí y tế…). Ngoài ra, còn có một số trường thu thêm phí ghi danh (thu một lần, không hoàn lại) từ 100 đến 1.000 USD.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thành phần gia đình HS học các trường QT hiện nay khá đa dạng. Các trường dạng (1) (như: HoChiMinh City International School (quận 2), British International (quận 1, 2), Fosco International School (quận 3), Saigon Souther International School (quận 7), ABC International School (quận 7) và một số trường do Lãnh sự quán các nước (Nhật Bản, Hàn Quốc)… mở), chủ yếu dạy cho HS nước ngoài. HS VN chiếm khoảng 15%.

Các trường dạng (2) (như: Trường Asia Pacific College, Trường Trung Tiểu học Bắc Mỹ), HS nước ngoài chiếm khoảng 10%. Phụ huynh các trường này chủ yếu là các chủ doanh nghiệp và giới trí thức có thu nhập khá. Ở các trường dạng (3) (như: Trường Dân lập Quốc tế, Á châu, Việt Úc, Việt Mỹ…), thành phần gia đình HS đa dạng nhất: từ người nước ngoài (số ít), các chủ doanh nghiệp, giới trí thức có thu nhập khá, đến số đông CBCNV, tiểu thương… Ngoài những nét chung kể trên, cá biệt, có một số phụ huynh tuy thu nhập hạn chế, nhưng do nhận thức và sự chọn lựa riêng, họ đã dồn sức đầu tư cho việc học của con ở mức cao.

Thấy gì ở các trường quốc tế?

Theo chúng tôi, nhìn chung hoạt động của các trường QT hiện nay ở TPHCM tương đối ổn. Phụ huynh chọn trường QT cho con phần lớn có nhận thức và yêu cầu khá cao; mặt khác, do sự phát triển lâu dài và vì sự cạnh tranh khá rõ rệt, nên hầu hết các trường đều nỗ lực đầu tư lớn và thỏa đáng về nhân lực (đội ngũ quản lý, giáo viên); chương trình; cơ sở vật chất, trang thiết bị….Song song đó, do đặc thù của ngành nghề (GD), nhìn từ thực tế các trường QT hiện nay, tuyệt đại đa số nhà đầu tư và nhà quản lý, điều hành ở các trường QT trên địa bàn TPHCM được đào tạo bài bản về nghiệp vụ quản lý, nghiệp vụ sư phạm; nhiều người có học hàm, học vị cao, hoặc là những nhà đầu tư có uy tín và kinh nghiệm.

Đến nay, trường QT hoạt động lâu nhất ở TPHCM mới có “thâm niên” khoảng 10 năm, vì vậy gần như chưa có “sản phẩm đầu ra”. Tuy nhiên, sự phát triển của các trường QT và sự hưởng ứng ngày càng rõ nét của phụ huynh đã phần nào thể hiện hướng đi đúng đắn và hợp xu thế của khối trường này. Nó không chỉ tạo ra những môi trường học tập chất lượng cao, mà còn góp phần thúc đẩy ý thức “cạnh tranh” từ hệ thống GD công lập.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2006-2007 khối trường QT do Sở GD-ĐT TPHCM vừa tổ chức, lãnh đạo Sở nhận định: “Hiện tất cả các trường QT ở TP đều đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch học tập, chú trọng tổ chức các hoạt động tập thể và cá nhân cho HS. Đội ngũ cán bộ quản lý hầu hết đạt tiêu chuẩn về chuyên môn và thực hiện tốt công tác quản lý. Các GV nước ngoài đều có bằng cấp giáo dục, sư phạm; hơn 90% được cấp phép lao động. GV liên tục được tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn ở trong và ngoài nước. Các trường QT đều áp dụng phương pháp giảng dạy mới, hiện đại, khơi dậy tính sáng tạo, hứng thú cho HS. Đặc biệt, đều chú trọng đến sự an toàn của HS và xem đây là tiêu chuẩn hàng đầu…

Tuy nhiên, Sở cũng nhìn nhận chất lượng đào tạo của các trường QT hiện chưa đồng đều. Còn một số trường yếu kém (cơ sở vật chất chật hẹp, tạm bợ, thiếu ổn định; lực lượng sư phạm vá víu; chất lượng giảng dạy yếu...), trong khi ngành GD chưa xây dựng tiêu chuẩn về kiểm định để phân loại khối trường này.

Diệu Anh

Tin cùng chuyên mục