Xu hướng “dự trữ tiền tệ” thế giới: Vàng hay đô la?

Xu hướng “dự trữ tiền tệ” thế giới: Vàng hay đô la?

(SGGP-12G).- Chẳng biết từ bao giờ, vàng luôn là “nơi trú ẩn” của những kẻ lo xa và các nhà đầu tư mỗi khi thị trường chao đảo. Gần 2 năm nay, kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính dẫn đến sự suy thoái nền kinh tế toàn cầu, vàng ngày càng được giá. Từ 650 USD/oz hồi đầu năm 2007 nay giá vàng tăng lên xấp xỉ 1.000 USD/oz, tức tăng gần 50%. Ngoài lý do nhu cầu tăng (dự trữ, làm nữ trang…), sản lượng khai thác giảm thì tâm lý e ngại nạn lạm phát và viễn cảnh “lung lay” của ngôi vị “chúa tể” đồng đô la Mỹ cũng là những nguyên nhân khiến vàng tăng giá…

Vai trò “lịch sử” của đồng đô la?

Vàng hay đô la?

Vàng hay đô la?

Cuối tháng 3-2009, trên website của Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc, qua bài viết mang tựa đề Những suy nghĩ về việc cải cách hệ thống tiền tệ thế giới, ông Zhou Xiaochuan, Thống đốc Ngân hàng, gợi ý rằng tần số lặp lại ngày càng dày và mức độ ngày càng sâu rộng của các cuộc khủng hoảng tài chính khiến cho việc sử dụng một đồng tiền quốc gia để làm đồng tiền dự trữ quốc tế có lẽ đã đến lúc “hoàn thành vai trò lịch sử” của nó. Ý kiến mang tính chất “cảnh báo” đó đã gây ra nhiều tranh luận.

Trung Quốc là “chủ nợ” lớn nhất của Mỹ, hơn nửa lượng tiền dự trữ của Trung Quốc được tính bằng đô la nên nước này không còn muốn bị phụ thuộc vào đồng tiền của Mỹ nữa, nhất là khi nó bị mất giá. Đoàn đại biểu Trung Quốc do Chủ tịch Hồ Cẩm Đào dẫn đầu tại Hội nghị G20 ở London (đầu tháng 4) đã gửi đi một thông điệp rõ ràng: Cần có một đồng tiền quốc tế mới. Đồng tiền này sẽ đóng vai trò dự trữ, có giá trị ổn định về lâu dài và nhất là không bị lệ thuộc vào nước này hay nước khác. Đề xuất của Trung Quốc đã nhận được sự ủng hộ của Nga.

Tuy nhiên, G20 đã bổ sung thêm các công cụ và phương tiện cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng cường vai trò của quỹ này với việc quy định quyền rút vốn đặc biệt (DTS) dựa trên nhiều đồng tiền cùng lúc. Nhà kinh tế học được trao giải thưởng Nobel Joseph Stiglitz hay chuyên gia đầu cơ lão luyện George Soros đều ủng hộ việc dùng DTS như một thứ tiền tệ quốc tế.

Nhưng đó là một giải pháp rất phức tạp mà việc biến thành hiện thực sẽ liên quan tới nhiều nền kinh tế khác nhau thuộc IMF, trong đó vai trò của Trung Quốc còn mờ nhạt. Rõ ràng đây không chỉ là một trận chiến kinh tế mà còn mang tính chất ngoại giao và chính trị. Chính quyền Mỹ phản đối ý kiến đề xuất của Trung Quốc. Và Trung Quốc đã chuyển từ lời nói sang hành động. Chỉ riêng trong tháng 5, Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc đã mua vào 360 tấn vàng, đưa lượng vàng dự trữ tổng cộng của nước này lên 1.050 tấn…

Vai trò “xen kẽ” của vàng?

Tại sao lại là vàng? Đó là bởi vì khi không có một đồng tiền quốc tế thích hợp thì chỉ còn vàng là có thể đảm nhiệm được vai trò thay thế “xen kẽ” cho đồng đô la. Kể từ thuở được khai thác đến nay, hiện 30.000 tấn vàng đang “ngủ” trong tầng hầm các ngân hàng trung ương. Lượng vàng dự trữ của nước Mỹ đã vượt quá 8.000 tấn, mặc dù từ năm 1971, giá trị của đồng đô la không còn bị bắt buộc phải được bảo chứng bằng vàng nữa.

Bị “phi tiền tệ hóa”, bị “bỏ rơi” nhưng vàng đã vượt qua được cơn sốc, bảo toàn giá trị “trú ẩn” của mình. Tháng 1-2008, tờ Financial Times giật tít Gold is the new global currency (vàng là đồng tiền quốc tế mới), đánh dấu sự trở lại huy hoàng của vàng. Tháng 3-2008, vàng đạt ngưỡng 1.000 USD/oz, trong khi đồng đô la tụt dốc. Các ngân hàng trung ương, từng bán ra ồ ạt khi vàng có giá 250 USD/oz, đã hoàn toàn ngưng bán. Vài tuần trước đây, khi một số nghị sĩ Quốc hội Đức đề nghị Ngân hàng Trung ương nước này nên lợi dụng lúc giá vàng đang tăng cao bán đi một phần vàng dự trữ nhằm cung cấp tài chính cho chương trình tái khởi động nền kinh tế thì Bộ trưởng Tài chính Peer Steinbruck đã dứt khoát từ chối…

Không ai phủ nhận vai trò “trú ẩn” của vàng nhưng coi nó như một loại tiền tệ quốc tế thì có nhiều ý kiến tranh cãi. Trước hết, lượng vàng trên thế giới không đủ để nó có thể trở thành một công cụ tiền tệ. Ngay từ năm 1965, nhà kinh tế học được trao giải Nobel người Pháp Morice Allais đã tính toán rằng, để đảm nhiệm vai trò đồng tiền quốc tế, 1 oz vàng phải tương đương với ít nhất là 500 USD - trong khi giá vàng vào thời điểm đó là 35 USD/oz - để lượng tiền tệ toàn thế giới có thể cân bằng với tổng giao dịch thương mại quốc tế. Rõ ràng, người ta dễ dàng hình dung được “cái giá phải trả” của vàng ngày nay để trở thành đồng tiền quốc tế…

Về mặt lý thuyết, tiền là một công cụ dự trữ và phát hành, nó còn được dùng để mua bán và thanh toán. Vàng, trong vai trò “cứu hộ” của hệ thống tiền tệ, có thể dùng để cất giữ, bảo chứng cho các khoản vay mượn, giúp duy trì niềm tin nhưng để trao đổi và thanh toán thì dùng đồng đô la có lẽ thuận tiện hơn. Cho tới khi nào mà đồng tiền này vẫn còn chiếm được sự tin cậy của các giám đốc tài chính các công ty đa quốc gia, những người quản lý các quỹ đầu tư, các nhà xuất khẩu dầu mỏ...

Năm 2008, sản lượng vàng khai thác được trên toàn thế giới là 2.400 tấn, ít hơn 10% so với một thập kỷ về trước. Vàng phần lớn được cung cấp cho ngành sản xuất nữ trang (chiếm 90%, trong đó riêng thị trường Ấn Độ chiếm 1/4) và sử dụng trong công nghiệp (hàng không, high-tech, bán dẫn, điện tử, truyền thông, công nghệ nano…), số ít còn lại dành cho dự trữ, trao đổi, mua bán.

Cung không đủ cầu đã đẩy giá vàng tăng cao, nhưng người ta cũng không loại trừ khả năng là “trái bóng vàng” đang được bơm căng, nhất là khi nền kinh tế đang có dấu hiệu hồi phục, niềm tin đang dần quay lại trên thị trường...

NGUYỄN VŨ (theo Challenges)

Tin cùng chuyên mục