Xu hướng xanh hóa dự án nhà ở

Mảng xanh tăng giá trị dự án
Xu hướng xanh hóa dự án nhà ở

Thị trường bất động sản trong giai đoạn tăng trưởng mạnh 2 năm vừa qua, số lượng dự án trên thị trường là hàng ngàn dự án với nguồn cung lên tới cả trăm ngàn căn hộ trên cả nước. Tuy nhiên, số lượng dự án đạt được các tiêu chí “xanh” lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Hiện nay, cả nước mới có khoảng 60 công trình được chứng nhận là công trình xanh, chủ yếu tập trung vào những dự án cao cấp do một số chủ đầu tư có uy tín thực hiện.

Dự án công viên thuộc dự án Khu đô thị Vinhomes Central Park, quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: HUY ANH

Mảng xanh tăng giá trị dự án

Theo thống kê, hiện nay diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng trên toàn địa bàn TPHCM khoảng 1m²/người, thấp hơn rất nhiều so với quy chuẩn của một đô thị cấp đặc biệt (từ 7m² - 9m²/người) và mật độ này rất thấp so với các đô thị trên thế giới. Riêng đối với các dự án bất động sản, mặc dù đã có quy định về mật độ cây xanh tối thiểu trong dự án nhưng không ít nhà đầu tư hiện nay đã chuyển đổi công năng đất công viên, cây xanh thành đất kinh doanh thương mại để tối đa hóa lợi nhuận.

Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, người dân ngày càng hướng đến môi trường trong lành, thiên nhiên nên mảng xanh, công trình công cộng, vật liệu xây dựng thân thiện, thiết kế thông thoáng luôn là những tiêu chí hàng đầu được nhiều người lựa chọn khi mua nhà tại các dự án bất động sản. Xuất phát từ thực tế trên, hiện các doanh nghiệp bất động sản cũng đã phát triển những dự án được chăm chút không gian sống, phát triển mảng xanh tỷ lệ thuận với mật độ xây dựng hoặc thậm chí gấp nhiều lần.

Mới đây, Tập đoàn Vingroup vừa khai trương kỹ thuật Công viên Vinhomes Central Park thuộc dự án Khu đô thị Vinhomes Central Park tại quận Bình Thạnh (TPHCM). Đây là công viên ven sông có quy mô khoảng 14ha và tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng. Công viên được đầu tư xây dựng với mục tiêu kiến tạo một lá phổi xanh giữa trung tâm TP và mở ra một không gian công cộng đáp ứng nhu cầu thư giãn, sinh hoạt và vui chơi, giải trí của người dân tại khu vực này. Công viên này có hơn 40 hạng mục như các hồ nước, khu vui chơi trẻ em, hệ thống máy tập thể dục ngoài trời, hệ thống sân thể thao, tennis, bóng rổ, tập golf, khu vườn tiệc nướng, chuỗi ẩm thực, quảng trường trung tâm công viên, sân khấu nhạc nước… Đặc biệt, không gian xanh chiếm vị trí chủ đạo với hệ thống cảnh quan vườn phong phú gồm vườn ven sông Sài Gòn, vườn Nhật Bản, vườn cây cảnh, vườn hoa… tái hiện một thiên đường xanh ngay trong lòng TP.

Cũng trong xu hướng xanh hóa dự án nhà ở, dự án Đảo Kim Cương giai đoạn 2 tại quận 2 của Tập đoàn Kusto Home không chỉ tọa lạc từ địa hình đảo biệt lập, bao quanh là sông Giồng Ông Tố và sông Sài Gòn, mà đây còn là dự án có mật độ không gian xanh “khủng”. Thông thường các dự án nhà ở tại Việt Nam, diện tích mảng xanh/đầu người khoảng 2,2m², còn tại dự án này đến 16m². Theo đó, dự án dành 86,5% diện tích cho không gian xanh và tiện ích công cộng, mật độ xây dựng chưa đến 13,5%.

Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp bất động sản đang phát triển theo xu hướng chung của thế giới về việc xanh hóa nơi ở, vì đây cũng là xu hướng lựa chọn của người tiêu dùng và mang lại giá trị gia tăng cho dự án rất lớn. Thực tế cho thấy, tại các nước phát triển, những dự án có công viên, khu vực có nhiều cây xanh thường được định giá cao hơn so với các khu vực khác. Cụ thể, tại New York (Mỹ), giá trị bất động sản cao hơn 45%; tại London (Anh) là 25% và ngay tại Singapore, các công trình muốn được xếp hạng 5 sao thì không thể thiếu bóng dáng của cây xanh.

Có dự án “xanh” giá bình dân?

Trong khi tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, các công trình nhà ở giá rẻ dành cho người thu nhập thấp được coi trọng yếu tố “xanh” và tiết kiệm năng lượng để tiết kiệm chi phí thì tại Việt Nam, các dự án “xanh” thường được quan niệm là các dự án cao cấp, đắt tiền vì nhiều người cho rằng, dự án nhà ở giá rẻ khó có thể được xây dựng với các yếu tố “xanh”. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang phát triển các dự án nhà ở giá bình dân cho rằng, dự án xanh không chỉ đơn thuần là có nhiều cây mà phải phát triển công trình xanh bao gồm tiết kiệm năng lượng cho người sử dụng, chi phí quản lý vận hành, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, sử dụng công nghệ và các thiết bị tiết kiệm năng lượng, kiến trúc hài hòa với tự nhiên mang đến chất lượng sống cao nhất cho người dân.

Về tiêu chí công trình xanh, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả (QCVN 09:2013/BXD). Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư cho biết khi áp dụng các quy chuẩn này có thể làm tăng chi phí đầu tư ban đầu và nhiều chủ đầu tư chưa mặn mà. Liên quan đến chi phí đội lên khi áp dụng quy chuẩn này, đại diện Công ty Capital House, chủ đầu tư phát triển dự án nhà bình dân theo tiêu chí xanh, cũng thừa nhận để các dự án của mình đạt được tiêu chuẩn xanh EDGE, doanh nghiệp phải chịu phát sinh chi phí cao hơn so với tính toán khoảng 3%-5% tổng mức đầu tư. “Tuy nhiên, nếu thực sự chia sẻ lợi ích với khách hàng thì bất kể công trình nào dù thuộc phân khúc cao hay thấp cũng đều có thể tiếp cận với mục tiêu xanh. Vấn đề là giải pháp cho mỗi công trình sẽ khác nhau. Bởi thực tế, các giải pháp kiến trúc xanh, hệ thống pin năng lượng mặt trời chỉ làm tăng chi phí đầu tư khoảng 3%”, đại diện này cho hay.

Phát biểu tại buổi tọa đàm về thị trường bất động sản mới đây, Thứ trưởng  Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy cũng cho rằng trái ngược hoàn toàn với lo ngại xây dựng công trình xanh rất tốn kém, thực tế chi phí gia tăng cho việc xây dựng công trình xanh chỉ từ 1% - 5%. Dựa trên nghiên cứu về các dự án công trình xanh tại Việt Nam, chi phí gia tăng trung bình 1,8% - 2%. Chi phí gia tăng này bao gồm chi phí cho việc thiết kế và nghiên cứu chuyên sâu, chi phí tư vấn chứng nhận công trình xanh và chi phí cho thiết bị, vật liệu phù hợp các yêu cầu của công trình xanh. “Về cơ bản, các tiêu chuẩn xanh đã được Chính phủ quy định khá rõ ràng trong Quy chuẩn quốc gia về công trình sử dụng năng lượng hiệu quả (QCVN 09:2013/BXD), bên cạnh đó còn có một số chính sách ưu đãi rất rõ ràng tại nhiều địa phương dành cho các công trình thân thiện với môi trường. Do đó, điều còn lại chỉ là ý thức của chủ đầu tư dự án về việc phát triển các công trình xanh”, ông Duy nhận định.

HÀ PHƯƠNG - BÌNH KHÔI

Tin cùng chuyên mục