Trên thực tế, pháp luật không có quy định riêng lẻ cho hành vi lạm thu trong các cơ sở giáo dục, mà đưa ra các chế tài riêng biệt cho từng hành vi riêng lẻ về học phí, lệ phí và các khoản thu khác trong lĩnh vực giáo dục.
Theo Điều 24 Nghị định 138/2013 (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục), các vi phạm quy định về học phí, lệ phí bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 109/2013 (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn). Cụ thể, đối với hành vi không công khai chế độ thu phí, lệ phí theo quy định, hay hành vi niêm yết hoặc thông báo không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho người nộp phí, lệ phí, thì sẽ bị phạt tiền 2 - 5 triệu đồng; hành vi thu phí, lệ phí không đúng theo quy định của pháp luật có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 50 triệu đồng, tùy theo số tiền vi phạm. Đồng thời, Điều 24 Nghị định 138/2013 cũng quy định: Đối với hành vi không công khai thu chi tài chính theo quy định sẽ bị phạt tiền 3 - 5 triệu đồng và phạt tiền 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thu các khoản trái quy định.
Ngoài hình phạt tiền nêu trên, pháp luật còn quy định biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi thu phí, lệ phí không đúng theo quy định và hành vi vi phạm về học phí, lệ phí và các khoản thu khác. Tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm và hậu quả gây ra mà người đứng đầu các cơ sở giáo dục thu trái quy định có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, có thể bị phạt tù 10 - 15 năm, phạt tiền 10 - 100 triệu đồng. Ngoài ra người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.