6 ngày sau khi xảy ra vụ tai nạn đường sắt thảm khốc ở Santiago de Compostela (Tây Ban Nha) làm 79 người thiệt mạng, qua kiểm tra thông tin hộp đen, cơ quan điều tra đã đưa đến kết luận nguyên nhân tai nạn là do lái tàu chạy quá tốc độ cho phép và nghiêm trọng nhất là sử dụng điện thoại tại thời điểm xảy ra tai nạn. Ngẫm lại 2 nguyên nhân tai nạn nêu trên, có thể thấy có rất nhiều tài xế các loại phương tiện vận tải hành khách và hàng hóa ở nước ta cũng có sai phạm tương tự.
Chắc hẳn chúng ta ai cũng đã có vài lần tận mắt chứng kiến tài xế vô tư sử dụng điện thoại di động trong lúc lái xe buýt, xe khách (cả cao cấp và loại thường). Hành vi này không bị ngăn chặn vì rất nhiều lý do, trong đó phải kể đến lý do các hành khách đã không dũng cảm và kiên quyết, thẳng thắn góp ý, nhắc nhở, chấn chỉnh tài xế. Nghị định 71/2012/NĐ-CP quy định rất rõ mức xử phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại di động khi lái ô tô hay các loại xe tương tự ô tô, với mức từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng. Mức phạt không thấp, tuy nhiên CSGT rất khó phát hiện và vì vậy cũng không dễ dàng để xử lý. Do vậy, các tài xế khá vô tư, thoải mái sử dụng điện thoại trong khi đang lái xe nắm giữ hàng chục sinh mạng. Để giải quyết triệt để hành vi nguy hiểm nêu trên, các cơ quan chức năng mà cụ thể là CSGT cần có thái độ kiên quyết hơn nữa trong việc tuần tra để kịp thời phát hiện. Song song đó, các doanh nghiệp quản lý khai thác xe cũng cần tổ chức nhiều đợt kiểm tra đột xuất thiết bị kiểm soát hành trình và các giải pháp thích hợp để ngăn chặn kịp thời hành vi sai phạm nêu trên. Trong trường hợp này, hành khách là những người giám sát chính, cũng cần có thái độ thẳng thắn nhắc nhở để bảo đảm an toàn cho mình và người khác trong suốt hành trình.
Trở lại vụ tai nạn tàu hỏa. Do công việc, tôi có đôi lần được phép vào buồng lái tàu hỏa và ghi nhận việc lái tàu được giám sát rất kỹ, với 2 tài xế (1 lái chính, 1 lái phụ) thường xuyên nhắc nhở nhau trên suốt hành trình. Tuy là lái phụ, nhưng anh này luôn theo dõi và nhắc nhở lái chính về tốc độ, vật cản… ở phía trước và hai bên tàu. Việc nghe điện thoại của lái tàu hỏa ở tận bên trời Tây chắc hẳn là một bài học kinh nghiệm quý báu đối với lái tàu hỏa ở nước ta. Ngành đường sắt cần có quy định chặt chẽ, kiểm tra gắt gao, kiên quyết hơn với việc lái tàu sử dụng điện thoại. Nếu không tắt điện thoại trong lúc làm nhiệm vụ thì lái tàu phải “tạm gửi” điện thoại di động cho trưởng tàu để tập trung cho công việc chuyên môn của mình. Chuyện đơn giản, nhưng hiệu quả sẽ rất khả quan!
ĐOÀN HIỆP