Giao ban công tác phòng, chống tham nhũng 10 tỉnh thành miền Đông Nam bộ

Xử lý người đứng đầu để xảy ra tham nhũng

Ngày 5-10, tại thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đã diễn ra Hội nghị giao ban công tác phòng, chống tham nhũng 9 tháng năm 2012, Cụm 10 tỉnh miền Đông Nam bộ, do Văn phòng Ban chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng, chống tham nhũng phối hợp với Ban chỉ đạo tỉnh Bình Phước về phòng, chống tham nhũng tổ chức.

Tại hội nghị, ông Dương Kim Quán, Phó Chánh văn phòng BCĐ tỉnh Bình Phước về phòng, chống tham nhũng đã thông qua dự thảo báo cáo tình hình công tác phòng, chống tham nhũng 9 tháng năm 2012 Cụm 10 tỉnh thành miền Đông Nam bộ: Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Long An, Tiền Giang và TPHCM.

Theo báo cáo của 10 tỉnh, thành phố miền Đông Nam bộ đã có 506 đơn vị được kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch, qua kiểm tra phát hiện có 4 cơ quan, tổ chức vi phạm. Các địa phương còn tiến hành 259 cuộc kiểm tra về chế độ định mức, tiêu chuẩn. Qua kiểm tra, phát hiện 113 vụ việc vi phạm chế độ định mức, tiêu chuẩn, tiến hành xử lý hình sự 1 trường hợp vi phạm, tổng giá trị vi phạm đã được thu hồi và bồi thường trên 1,8 tỷ đồng. Các địa phương chuyển đổi 1.726 vị trí công tác theo Nghị định số 158/NĐ-CP của Chính phủ.

Tại tỉnh Bình Thuận phát hiện 1 lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận kê khai tài sản, thu nhập không đúng quy định và đã xử lý kỷ luật với hình thức cảnh cáo. Có 4 địa phương là Bình Thuận, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước đã xử lý trách nhiệm người đứng đầu và 12 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách (khiển trách 8, cảnh cáo 2, cách chức 1, buộc thôi việc 1).

Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo về tham nhũng, ngành thanh tra các tỉnh đã triển khai thực hiện 6.923 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Nội dung thanh, kiểm tra chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, như quản lý tài chính, quản lý đầu tư xây dựng, xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất, giáo dục, y tế. Qua thanh kiểm tra phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi cho ngân sách Nhà nước hơn 85,6 tỷ đồng, kiến nghị xử lý kỷ luật đối với 113 tập thể và 225 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 7 vụ việc.

Trong công tác điều tra xét xử án tham nhũng,các địa phương đã thụ lý điều tra 45/81 bị can, trong đó TPHCM có 12 vụ/35 bị can, Đồng Nai có 13 vụ/19 bị can. Tòa án các tỉnh, thành phố đã đưa ra xét xử 38 vụ/76 bị can, trong đó, về tội tham ô tài sản là 15/38 vụ, tội nhận hối lộ 7/38 vụ, các tội tham nhũng khác 16/38 vụ.

Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng của các tỉnh trong Cụm 10 miền Đông Nam bộ đã thống nhất cao về 8 phương hướng, nhiệm vụ quý 4-2012. Trong đó đáng chú ý nhất là nhiệm vụ tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Các tỉnh cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện những quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tập trung công tác cải cách thủ tục hành chính, gắn việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng. Các tỉnh đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, chú trọng kiểm tra nội bộ trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực quản lý sử dụng đất, đầu tư xây dựng cơ bản, ngân sách, tài sản công, tín dụng, ngân hàng, công tác cán bộ.

Các tỉnh tập trung giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, liên quan đến nhiều người, gây bức xúc dư luận, đơn liên quan tham nhũng. Các tỉnh cần nâng cao vai trò giám sát của HĐND, MTTQ và các tổ chức đoàn thể, quần chúng và chú ý phát huy vai trò của báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng. 

NG.VIỆT

Tin cùng chuyên mục