Dù tình trạng xe chở hàng hóa quá tải đã giảm, song theo các cơ quan chức năng TPHCM, để xử lý triệt để vấn nạn này, còn nhiều thách thức.
Nhà xe có nhiều chiêu
Theo Ban An toàn giao thông TPHCM, sau khi các cảng biển phối hợp với Thanh tra giao thông và các cơ quan liên quan siết chặt việc chất hàng lên xe đúng tải trọng đã xuất hiện tình trạng một số xe sau khi ra khỏi cảng, dồn hàng lại cho một xe. Tính từ đầu năm nay đến ngày 30-11, tại khu vực Cát Lái - tuyến đường Vành đai 2 (quận 2) và khu vực Tân Thuận Đông (quận 7), lực lượng liên ngành đã lập biên bản 61 trường hợp vi phạm về dồn tải, với số tiền xử phạt là 313 triệu đồng; đồng thời áp dụng hình phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 27 trường hợp về dồn tải. Chưa hết, có không ít nhà xe còn cả gan sửa lại giấy đăng kiểm xe, tăng tải trọng cho phép chở của xe. Với hành vi này, ngay cả Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn - một trong những cảng biển lớn của TPHCM với bề dày hàng chục năm hoạt động, cho biết cũng rất khó phát hiện. Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, để phát hiện việc này, các cảng rất cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng.
Cân tải trọng xe để hạn chế xe chở quá tải lưu thông trên đường. Ảnh: PHẠM CAO MINH
Trong khi đó, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM Thái Văn Chung cho biết, mức xử phạt đối với cá nhân, tổ chức xếp hàng hóa lên ô tô vượt quá tải trọng vẫn quá thấp so với lợi nhuận mà các cá nhân, tổ chức thu được từ việc xếp hàng nên khó tạo tính răn đe. Theo Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM Nguyễn Ngọc Tường, trong quá trình các cơ quan chức năng kiểm soát tải trọng xe vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Do chưa có bãi hạ tải nên việc dừng xe, kiểm tra xử lý cũng như việc các phương tiện hạ tải trực tiếp trên đường đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn giao thông, dễ gây ùn tắc giao thông, nhất là trong giờ cao điểm.
Xử lý cách nào?
Ông Nguyễn Ngọc Tường cho biết, trong thời gian tới TP sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng để kiểm tra, xử lý đồng loạt tại các khu vực cửa ngõ TP và các tuyến đường trọng điểm có mật độ ô tô tải hoạt động cao; trong đó, tập trung bố trí lực lượng giám sát phối hợp kiểm soát tải trọng tại các đầu mối hàng hóa theo nội dung đã cam kết. Mặt khác, triển khai hệ thống kiểm soát tải trọng xe tự động lắp đặt trực tiếp dưới lòng đường để kiểm soát tải trọng các phương tiện vận tải vào TP ở các cửa ngõ chính. Các phương tiện không vi phạm tải trọng sẽ không phải dừng lại để cân như hiện nay. Hệ thống này sẽ được kết nối về trung tâm để quản lý, đồng thời sẽ thông báo tức thời cho các lực lượng chức năng trên đường nếu có đối tượng vi phạm lưu thông vào TP. Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác 2 bãi hạ tải tại tuyến Vành Đai Đông, quận 2 và khu vực nút giao Bình Thuận, huyện Bình Chánh để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý các phương tiện chở hàng quá tải trên địa bàn TP. Nghiên cứu giải pháp giám sát lộ trình lưu thông của các phương tiện vận chuyển hàng hóa thông qua dữ liệu giám sát hành trình GPS để kịp thời phát hiện và xử lý các khu vực tập trung phương tiện sang hàng, dồn tải để vận chuyển tiếp, vi phạm chở hàng vượt quá tải trọng cho phép. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đối với các doanh nghiệp hoạt động vận tải hàng hóa; các cảng, bến, kho, bãi; đội ngũ lái xe (thông qua cẩm nang an toàn giao thông) nhằm thực hiện tốt giải pháp kiểm soát tải trọng từ gốc; thực hiện nghiêm cam kết mà các cảng, bến, kho, bãi đã ký với TP.
Theo Giám đốc Sở GTVT TPHCM Nguyễn Thành Chung, sẽ có nhiều giải pháp ràng buộc trách nhiệm giữa các đơn vị với mục đích kiểm tra phương tiện, giám sát việc thực hiện quy trách nhiệm và xử lý đối với những đơn vị không chấp hành như cam kết nhằm tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, để tạo tính răn đe, đối với trường hợp tái phạm nhiều lần sẽ kiến nghị rút giấy phép, hoặc cưỡng chế không cho thực hiện các bãi chất chở hàng hóa.
|
ĐÌNH LÝ
Tiếp tục phạt nặng xe chở quá tải
(SGGP).- Theo quy định tại Nghị định 107/2014/NĐ-CP về bổ sung Nghị định số 171/2013/NĐ-CP; Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 7-11-2014; Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, các trường hợp chở hàng quá tải sẽ bị xử phạt nặng. Theo đó, tăng nặng mức phạt lũy tiến tỷ lệ tương ứng với mức vi phạm vượt trọng tải cho phép. Cụ thể, phạt tiền 12-14 triệu đồng đối với cá nhân và 24-28 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe để vi phạm trọng tải phương tiện vượt trên 40% - 60% quy định; phạt 14-16 triệu đồng đối với cá nhân và 28-32 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe để vi phạm trọng tải phương tiện vượt trên 60% - 100% (vượt tải trọng cầu đường trên 50% - 100%) quy định; phạt 16-18 triệu đồng đối với cá nhân và 32-36 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe để vi phạm trọng tải phương tiện vượt trên 100% (vượt tải trọng cầu đường trên 100%) quy định. Mặt khác, tăng mức xử phạt đối với hành vi xếp hàng hóa lên xe: Phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 2.000.000 - 4.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện xếp hàng hóa lên mỗi ô tô vượt quá trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 40%.
Bên cạnh đó, đối với hành vi cố tình vi phạm chở hàng vượt quá trọng tải phương tiện ở mức nghiêm trọng, Nghị định 107 đã bổ sung mức xử phạt tăng nặng đối với người lái xe vi phạm. Cụ thể, phạt tiền từ 7.000.000 - 8.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trên 100% (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc); đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 3 tháng…
LÝ NGUYỄN