Trong mùa kinh doanh tết, không ít các cá nhân, đơn vị đã chạy theo lợi nhuận, sản xuất, kinh doanh các loại thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hành vi này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật như thế nào?
Vệ sinh an toàn thực phẩm đã sớm được pháp luật điều chỉnh, với Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Điều 3 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 quy định rất rõ: “Bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm” và “Sản xuất, kinh doanh thực phẩm là hoạt động có điều kiện; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh”.
Luật An toàn thực phẩm năm 2010 đã liệt kê cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, như sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm; sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm…
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, có hiệu lực từ ngày 31-12-2013. Theo đó, đối với hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. Trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất của khung tiền phạt mà vẫn còn thấp hơn 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm (đối với cá nhân vi phạm) hoặc thấp hơn 7 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm (đối với tổ chức vi phạm) thì mức phạt được áp dụng bằng 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với cá nhân hoặc 7 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với tổ chức.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung, như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, nếu hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hình sự tại Điều 244 Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, với khung hình phạt thấp nhất là 1 năm tù và cao nhất đến 15 năm tù trong trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Như vậy, với quy định mới tại Nghị định 178, nhà nước đã mạnh tay hơn đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG
(Văn phòng Luật sư PHANS)