Xử lý vi phạm liên quan đến vé tàu giả

Cuối năm, nhiều người có nhu cầu mua vé tàu để trở về quê ăn tết sum họp cùng gia đình. Lợi dụng dịp này, một số đối tượng đã thực hiện một hoặc một số hành vi sử dụng, làm, vận chuyển, tàng trữ, mua bán vé tàu giả.
Xử lý vi phạm liên quan đến vé tàu giả

Cuối năm, nhiều người có nhu cầu mua vé tàu để trở về quê ăn tết sum họp cùng gia đình. Lợi dụng dịp này, một số đối tượng đã thực hiện một hoặc một số hành vi sử dụng, làm, vận chuyển, tàng trữ, mua bán vé tàu giả.

Những hành vi đó không những gây thiệt hại trực tiếp cho cá nhân, tổ chức, mà còn làm ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế trong xã hội. Tùy theo hành vi và mức độ tương ứng sẽ bị xử lý phù hợp. Căn cứ Điều 68 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt các hành vi vi phạm về sử dụng vé tàu giả và bán vé tàu trái quy định, tùy theo hành vi vi phạm khác nhau sẽ bị xử lý tương ứng. Theo đó, đối với hành vi sử dụng vé tàu giả để đi tàu, sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 đến 200.000 đồng. Mức phạt tiền từ 2 triệu đến 4 triệu đồng sẽ được áp dụng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi: nhân viên bán vé của nhà ga, nhân viên bán vé của đại lý bán vé tàu, nhân viên bán vé trên tàu bán vé tàu trái quy định; mua, bán vé tàu nhằm mục đích thu lợi bất chính. Đồng thời, tại khoản 3 Điều này quy định mức phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng đối với cá nhân, từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm vận chuyển vé tàu giả; bán vé tàu giả; tàng trữ vé tàu giả.

Vé tàu giả do cò tự in

Như vậy, đối với từng hành vi vi phạm, mức độ ảnh hưởng, khả năng gây hậu quả sẽ có sự khác biệt và nhóm hành vi về vận chuyển, bán, tàng trữ vé tàu giả sẽ thuộc nhóm phải chịu trách nhiệm hành chính nặng nhất. Bên cạnh đó, ngoài hình thức phạt tiền theo các khoản nêu trên, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu vé tàu giả. Trong trường hợp nhân viên bán vé của nhà ga, nhân viên bán vé của đại lý bán vé tàu, nhân viên bán vé trên tàu bán vé tàu trái quy định; cá nhân mua, bán vé tàu nhằm mục đích thu lợi bất chính; tổ chức, cá nhân bán vé tàu giả còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính.

Ở mức độ nghiêm trọng hơn, người làm, buôn bán các loại vé giả với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu thuộc một trong các trường hợp: phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ quyền hạn, thu lợi bất chính, tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 2 đến 7 năm. Không chỉ có vậy, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đến 30 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. Trách nhiệm hình sự nói trên được quy định tại Điều 164 Bộ luật Hình sự 1999 về tội làm vé giả, buôn bán vé giả.

Tuy nhiên, đối với quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999 có vướng mắc ở việc xác định như thế nào là “số lượng lớn”, điều này cũng gây khó khăn trong cách hiểu và áp dụng. Khắc phục được vấn đề này, Bộ luật Hình sự năm 2015 đang được sửa đổi tại Điều 202 đã có sự định lượng về số lượng vé, mệnh giá, số tiền thu lợi bất chính để định theo từng khung hình phạt và tạo cơ sở cho việc hiểu và áp dụng được thống nhất.

Trên thực tế việc phát hiện ra vé tàu giả chỉ có thể thực hiện được sau khi kiểm tra, đối chiếu với đơn vị phát hành vé tàu và thường phát hiện sau một khoảng thời gian nhất định, nên việc truy cứu trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức cũng gặp không ít khó khăn. Vì vậy, cần có sự phối hợp trong công tác kiểm tra giám sát của cơ quan có thẩm quyền với các đơn vị phát hành vé. Ngoài ra, bản thân người dân khi đi mua vé nên cẩn thận để tránh trường hợp bị lừa, khi phát hiện hành vi vi phạm nên chủ động báo với đơn vị phát hành vé, tố giác với người, cơ quan có thẩm quyền.

Luật sư NGUYỄN TRUNG TRỰC
(Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam)

Tin cùng chuyên mục