Nghị định 157/2013/NĐ-CP (NĐ 157) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản có quy định các hành vi vi phạm và chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, nhưng chưa có quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chi trả dịch vụ môi trường rừng. Theo đó, Bộ NN-PTNT đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 157, trong đó đề xuất mức xử lý vi phạm quy định về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng lên đến 50 triệu đồng, tùy hành vi và mức độ vi phạm.
Rừng được giao khoán cho người dân bảo vệ tại Tây Nguyên. Ảnh: HUY ANH
Chủ trương thu và chi trả phí dịch vụ môi trường rừng được thực hiện trên toàn quốc từ năm 2012 trên cơ sở NĐ 99/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Bộ NN-PTNT cho biết, sau gần 4 năm thực hiện NĐ 99/2010, phần lớn các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ môi trường rừng đã thực hiện đúng quy định nhưng vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm túc. Chẳng hạn như trì hoãn không ký hợp đồng chi trả; không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ; không nộp hoặc nộp không đầy đủ, đúng hạn nên số tiền nợ đọng của dịch vụ này tính đến cuối năm 2013 là 296,6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một số chủ rừng cung ứng dịch vụ này cũng chưa thực hiện tốt nghĩa vụ theo quy định, còn để rừng bị xâm canh, chặt phá trái phép, không chi trả đầy đủ, kịp thời tiền cho người nhận khoán bảo vệ rừng. “Các hành vi vi phạm trên đã gây khó khăn cho việc thu, chi và giải ngân tiền dịch vụ môi trường rừng đến các chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng tại các địa phương, phần nào làm giảm hiệu quả của chính sách”- đại diện Bộ NN-PTNT cho hay. Trong khi đó, NĐ 157 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản lại chưa quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chi trả dịch vụ môi trường rừng nên thực tế hiện chưa có chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm trên.
Do đó, dự thảo sửa đổi NĐ 157 đã được Bộ NN-PTNT bổ sung về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Cụ thể: người sử dụng dịch vụ môi trường rừng cố ý không ký hợp đồng chi trả tiền sử dụng dịch vụ môi trường rừng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng nếu không ký hợp đồng đối với chủ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng trong trường hợp chi trả trực tiếp. Phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng khi không ký hợp đồng với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng trong trường hợp chi trả gián tiếp. Người sử dụng dịch vụ môi trường rừng cố ý không kê khai tiền phải chi trả dịch vụ môi trường rừng trong trường hợp chi trả gián tiếp thì sẽ bị phạt cảnh báo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 10 triệu đồng tùy vào số tiền phải chi trả. Người sử dụng dịch vụ môi trường rừng cố ý không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền sử dụng dịch vụ, bị xử phạt từ 500.000 đến 50 triệu đồng.
Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị buộc chi trả tiền sử dụng dịch vụ môi trường rừng và tiền lãi tương ứng với thời gian chậm chi trả theo lãi suất tiết kiệm cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm bị lập biên bản vi phạm hành chính. Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng đề xuất quy định xử phạt đối với chủ rừng khi cố ý giữ lại không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ, đúng hạn tiền thu từ dịch vụ môi trường rừng cho người nhận khoán bảo vệ rừng theo hợp đồng hoặc cam kết ký kết giữa chủ rừng và người nhận khoán bảo vệ rừng. Cụ thể, mức phạt được đề xuất từ 200.000 đến 10 triệu đồng, tùy vào số tiền phải chi trả.
Dự thảo cũng nêu rõ, hành vi vi phạm gây hậu quả vượt quá mức tối đa xử phạt vi phạm hành chính; hành vi vận chuyển, buôn bán gỗ trái pháp luật vượt quá mức xử phạt vi phạm hành chính quy định NĐ này, không xử lý hành chính mà phải chuyển sang xử lý về trách nhiệm hình sự.
Chính sách thu phí dịch vụ môi trường rừng nhằm tạo ra nguồn tài chính bền vững cho bảo vệ và phát triển rừng. Năm 2012, nguồn thu từ dịch vụ này xấp xỉ 1.200 tỷ đồng, tương đương với ngân sách trung ương đầu tư cho ngành lâm nghiệp năm 2012. Người cung ứng dịch vụ là chủ rừng và người nhận khoán rừng, cụ thể là người dân tham gia bảo vệ và trồng rừng được hưởng toàn bộ kinh phí này.
HÀ PHƯƠNG