Xuân này con không về

Khao khát sum vầy, khắc khoải mong có dịp về quê đón tết, nhưng tết này nhiều sinh viên đang trọ học tại TPHCM không thể về quê sum họp cùng gia đình, do phải bươn chải làm thêm kiếm thu nhập trong thời gian nghỉ tết.
Lan Nhi làm thêm những ngày gần tết tại B’s Mart Plus
Lan Nhi làm thêm những ngày gần tết tại B’s Mart Plus

Đường về rất xa

Chỉ mới 20 tuổi, Nguyễn Công Minh (quê xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) đã có gần 9 năm xa quê, vào TPHCM ăn học. Trong những ngày cuối năm, Minh đang tất bật đi làm thêm. Minh bị khiếm thị bẩm sinh, lúc 1 tuổi được phẫu thuật mắt nhưng ca phẫu thuật không thành công, em mất đi thị lực một bên mắt. Năm lên lớp 6, gia đình rất khó khăn, Minh được đưa vào Mái ấm Bừng Sáng tại TPHCM để được chăm sóc, tiếp tục đi học. Đến năm lớp 9, em ra ngoài sống. Bây giờ Minh là sinh viên năm 2 Khoa Công tác xã hội Đại học Sư phạm TPHCM, và cũng là sinh viên năm nhất Cao đẳng Công nghệ thông tin TPHCM. Minh tự lo cho mình tất cả mọi việc, từ chi phí ở trọ đến học phí 2 trường đang theo học. Trong 9 năm ở TPHCM, Minh chỉ về quê đón tết được 4 lần. Nhắc đến chuyện về quê, Minh ngậm ngùi: “Tiền vé xe đi về là khoản chi phí quá lớn với em. Bố mẹ bảo em cứ về, có gì bố mẹ mượn tiền lo tàu xe cho em, nhưng thực sự em không đành lòng. Em quyết định ở lại TPHCM trong những ngày tết để đỡ gánh nặng cho gia đình, đồng thời có thể làm thêm dịp tết để trang trải học phí”.

Tết năm nay sẽ là cái tết xa nhà đầu tiên của em Đậu Viết Sỹ, sinh viên năm nhất Trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM. Trong khi bạn bè háo hức thu xếp hành lý về quê ăn tết, Sỹ lựa chọn ở lại TPHCM để đi làm thêm kiếm tiền trang trải học phí cho mình. Sỹ kể: “Quê em ở Nghệ An, rất xa xôi, tiền tàu xe tốn kém, nên em không thể về quê ăn tết. Bố mẹ em đã gần 60 tuổi mà phải vay tiền để lo cho 2 con ăn học. Để đỡ gánh nặng cho gia đình, ngoài thời gian đi học em còn đi dạy kèm để kiếm thêm thu nhập”.

Cũng như Minh và Sỹ, Nguyễn Lan Nhi, sinh viên năm 2 ngành Hàn Quốc học Trường Đại học Văn Hiến, đã ở lại TPHCM làm thêm trong những ngày tết để kiếm tiền đóng học phí. Quê Nhi ở Hà Nội, chi phí cho chuyến đi rất tốn kém, với số tiền đó, em có thể trang trải phí sinh hoạt cũng như một phần học phí. Nhi chia sẻ về hoàn cảnh của mình: “Hiện tại, mẹ em đang làm giúp việc ở xa nơi tụi em sống nên chỉ có em và em trai tự chăm sóc nhau. Đối với em, việc về Hà Nội đón tết sum vầy cùng gia đình là một mơ ước rất xa vời”.

Tranh thủ làm thêm 

Ngày thường, ngoài giờ học Lan Nhi làm nhân viên bán hàng part-time của cửa hàng tiện lợi B’s Mart Plus (quận 7). Nhi phải cố gắng sắp xếp để cân đối giữa thời gian học, thi cử, thời gian đi làm và thời gian nghỉ ngơi. Bình thường, Nhi làm khoảng 6 tiếng/ngày, một tuần 4 - 5 buổi. Tết này ở lại TPHCM, Nhi cũng làm ở đây. Nhi cho biết: “Đây là lần đầu tiên em đi làm vào dịp tết. Những công việc trước em làm chỉ đến ngày 30 tháng Chạp. Lương của nhân viên làm part-time là 21.500 đồng/giờ. Dịp tết công ty sẽ nhân lương 400% nếu làm vào các ngày 30, 1, 2, 3, 4 âm lịch. Tính ra 5 ngày này đi làm, thu nhập của em có thể ngang bằng hoặc hơn lương tháng bình thường. Công việc tuy không quá nặng nhọc nhưng áp lực lớn, còn khó hơn “làm dâu trăm họ”, nhiều khi bị khách hàng mắng không rõ lý do mà vẫn phải cam chịu. Việc tính tiền và quản lý hàng hóa không đơn giản, chỉ sơ ý thiếu tập trung là có thể trả nhầm tiền, nhận phải tiền giả, mất cắp món hàng có giá trị… Công việc như vậy đòi hỏi em phải luôn tập trung cao độ”. 

Với Minh, trong ngày tết, em dành hết thời gian làm công việc tiếp tân tại Cơ sở trị liệu Ánh Dương ở quận 10, đây là một cơ sở massage của người khiếm thị. Minh cho biết ngày thường em chỉ làm từ 18 giờ đến 21 giờ 30 vì còn phải đi học ở 2 trường, nhưng ngày tết em sẽ làm từ 9 giờ 30 đến 21 giờ 30. Ngày thường em làm khoảng 25.000 đồng/giờ thì ngày tết tăng gấp đôi. Nhắc đến tết và những kỷ niệm ở quê, Minh thoáng buồn: “Tết ở quê nhà với em là những ngày được ngồi bên bố mẹ canh chừng nồi bánh chín, là bữa cơm quây quần của cả nhà, là được ông bà lì xì mừng tuổi... Nhớ lắm, nhưng em không có điều kiện để muốn về quê là về”. 

Những ngày này, khi tất bật với việc làm thêm cuối năm, Lan Nhi vẫn luôn tự nhủ, khi chia sẻ, gánh vác được phần nào những khó khăn vất vả của mẹ, nghĩ đến nụ cười nở trên khuôn mặt đã hằn thêm nét thời gian của mẹ, em như được tiếp thêm sức mạnh và động lực để vượt qua những khó khăn. Còn Sỹ, sau nhiều giờ làm việc trong những ngày gần tết, Sỹ đều gọi điện về cho bố mẹ thăm hỏi sức khỏe, thăm hỏi về chuyện gia đình chuẩn bị cho ngày tết. Ban quản lý ký túc xá nơi Sỹ ở cũng tổ chức cho các bạn sinh viên không về quê ăn tết các hoạt động vui chơi chung để những bạn trẻ này không cảm thấy lẻ loi trong ngày tết.

Tin cùng chuyên mục