Phong trào vận động tiết kiệm điện và các hình thức tiết kiệm khác đã được các cơ quan truyền thông, trong đó có Báo SGGP, tuyên truyền, cổ vũ, bước đầu đã có hiệu quả đáng ghi nhận:
1. Công ty Xi măng Holcim - Việt Nam đã vay tiền ngân hàng nước ngoài, nhờ các chuyên gia giúp đỡ xây dựng một trạm phát điện từ việc tận dụng nhiệt thải của hệ thống lò nung tại nhà máy của công ty ở Hòn Chông (Kiên Giang). Trạm có công suất 6,3 MW với kinh phí 28 triệu USD. Trạm có thể sản xuất 44 triệu kWh điện/năm, đủ cho nhà máy xi măng Hòn Chông trong 88 ngày vận hành. Dự kiến, trạm sẽ vận hành vào cuối năm 2012, còn tiết kiệm được 9.000 tấn than đá hoặc 6.500 tấn dầu mỗi năm, đồng thời giảm 25.300 tấn khí CO2 hàng năm thải ra môi trường.
2. Lượng điện tiêu thụ tại các cửa hàng thuộc hệ thống BigC chiếm 30% chi phí dịch vụ mua ngoài của họ. Vì thế, sau khi có Chỉ thị 171/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, BigC đã thay thế đèn huỳnh quang T8 bằng T5, tiết kiệm được 40% điện năng so với trước. Công ty còn lắp đặt hệ thống giám sát và quản lý năng lượng tại các bộ phận để kiểm soát liên tục việc tiêu thụ điện năng và chất lượng sử dụng điện. BigC còn trang bị hệ thống bồn trữ lạnh vận hành ban đêm (không vào giờ cao điểm) để tích trữ đá lạnh. Ban ngày, giải phóng đá này cho hệ thống điều hòa của trung tâm.
3. Ông Võ Trường Thành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn gỗ Trường Thành, Bình Dương, cho biết để hạn chế tối đa sự lãng phí, đã cho dừng và giảm quy mô mở rộng các dự án. Cụ thể: dừng Nhà máy sản xuất Bình Dương 3, giảm quy mô trồng rừng từ 4.000ha (năm 2011) còn phân nửa; dự kiến xây một tổng kho 30ha cũng được cân nhắc để xây 14 ha. Ngoài ra, công ty sẽ sáp nhập Nhà máy Trường Thành – Đắc Lắc 1 và 2, nhập 2 công ty trồng rừng TTP và TTC ở Đắc Lắc… để giảm bớt biên chế, thuận tiện cho quản lý. Công ty cũng đầu tư hệ thống tận dụng nhiệt năng bỏ phí từ các nồi hơi để chuyển nhiệt năng này phục vụ cho các công đoạn hấp, sấy … Tất cả các động thái này, theo ông Võ Trường Thành, để đảm bảo tốt cho đời sống của 6.500 công nhân trong lúc khó khăn về điện.
4. Nhóm 3 bạn trẻ Nguyễn Phi Trường, Nguyễn Phi Vương, Hữu Thị Dương đã tạo ra than đốt từ xử lý chất thải hữu cơ là bã các loại dong riềng, khoai mì. Sản phẩm than tổ ong và than viên của họ chứa tới 60% chất thải hữu cơ, nhiệt lượng cao hơn than thường 10% - 20%, xỉ than sau đốt làm phân bón cho cây rất giàu hàm lượng canxi. Bã khoai mì qua xử lý, trộn với than làm chất đốt đã giải quyết được rác thải ở làng nghề xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội chuyên sản xuất miến và bánh đa.
5. GS-TS Nguyễn Lân Dũng, thành viên ban giám khảo cuộc thi “Ý tưởng xanh 2010”, cho biết, 5 bạn trẻ gồm Nguyễn Phan Kiên, Hoàng Anh Dũng, Mạc Văn Hải, Vũ Văn Sang và Bùi Minh Hải đã nghĩ ra việc chế tạo hệ thống tiết kiệm điện cho đèn tuýp, tiết kiệm đến 50% - 60% điện năng. Ý tưởng đã giành được giải nhất.
TRẦN ANH TÀI (Phường An Lạc A, quận Bình Tân)
>> Ngành chiếu sáng TPHCM giảm chi gần 60 tỷ đồng nhờ thực hành tiết kiệm