Tại cuộc họp đánh giá tình hình xuất khẩu cá tra trong thời gian tới do Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Hiệp Hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) vừa tổ chức ở TPHCM, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương cho rằng, đây là giai đoạn chuyển từ lượng sang chất, từ chiều rộng sang chiều sâu.
Giá xuất khẩu cá tra tiếp tục tăng
Theo Vasep, lượng cá tra xuất khẩu quý 1 nhỉnh hơn chút ít so với cùng kỳ năm 2010 (hơn 153.000 tấn), nhưng giá bình quân xuất khẩu tăng đáng kể. Tại châu Âu, giá cá tra (phi lê) khoảng 3 – 3,10 USD/kg, thay vì trên dưới 2 USD/kg như trước. Điều ghi nhận, nhà nhập khẩu tại nhiều thị trường đã chấp nhận mức giá chào trên 3 USD/kg cá tra, vì biết rằng Việt Nam đang đối mặt với tình trạng khan hiếm con giống và thiếu nguyên liệu cá tra trầm trọng. Người nuôi gặp khó về vốn vay, chi phí thức ăn cao, các doanh nghiệp (DN) phải tăng giá mua nguyên liệu. Việc tăng giá xuất khẩu cá tra quý 1 đã củng cố niềm tin, bởi sản phẩm cá tra được bán đúng với giá trị thật.
Qua thực tế cho thấy, giá cá tra thấp còn ảnh hưởng xấu đối với giá những sản phẩm thủy sản khác. Vì vậy, hơn lúc nào hết những người sản xuất và kinh doanh cá tra trong và ngoài nước đều mong muốn giá cá tra tăng. Theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt (thuộc Vasep) cho biết, giá sàn thời gian tới sẽ là trên 3,4 USD/kg.
Thứ trưởng Lương Lê Phương cho rằng, dù gặp khó khăn, nhưng đây cũng chính là thời cơ, là động lực phải tái cơ cấu lại ngành cá tra, từ việc nuôi, chế biến, đến xuất khẩu để tất cả các khâu đều có lời, không để tái diễn tình trạng cá ăn kiến (DN ép giá người nuôi), có lúc kiến ăn cá (người nuôi neo giá DN). Thà làm ra 800.000 tấn để bán giá cao thay vì 1 triệu tấn mà bán giá thấp như những năm qua. Nuôi ít để con cá được chăm sóc và nuôi tốt, đầu tư nuôi theo chất lượng, ổn định và bảo vệ môi trường; cả chuỗi cùng đi theo hướng này. Trong đó, từng khâu phải có kiểm soát, từ chất lượng con giống, chất lượng thức ăn, giám sát môi trường nước… Hướng tới việc nuôi cá như nuôi tôm công nghiệp, xử lý nước vào - ra. Chấp nhận tốn đất nhiều hơn nhưng đảm bảo môi trường, con cá có chất lượng hơn, không bị dịch bệnh. Nhưng trước mắt là kiểm soát thật tốt 2 khâu giống và khâu thức ăn chăn nuôi, đang gây ra khó khăn về chất lượng cá nuôi và tiêu tốn thức ăn nhiều hơn.
Chọn lọc doanh nghiệp và thị trường
Việc tìm kiếm thị trường cũng được chọn lọc hơn. Các thị trường tiêu thụ cá chất lượng thấp, rủi ro đang bị loại dần. So với cuối năm 2010, cá tra xuất khẩu đến 134 quốc gia, dự đoán thị trường xuất khẩu thu hẹp lại chỉ còn 63% trong năm 2011. EU vẫn là thị trường nhập khẩu cá tra hàng đầu, chiếm 33,1% thị phần xuất khẩu cá tra. Điều đáng nói là trong khi giá xuất khẩu tăng cao tại các thị trường khác thì tại châu Âu giá xuất trung bình chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng hiện nay các nhà nhập khẩu đã đồng ý với mức giá 3,3 - 3,4 USD/kg.
Giá cá tra nguyên liệu tăng lên 28.500 – 28.800 đồng/kg và có thể lên trên 30.000 đồng/kg. Dự báo quý 2 là thời điểm thu hoạch cá chính vụ khi tình hình nguyên liệu sẽ bớt căng thẳng, nhưng từ đây cho tới cuối năm nguyên liệu sẽ vẫn thiếu. Theo khảo sát, sản lượng nuôi cá tra từ nay đến cuối năm 2011 ước đạt trên 500.000 tấn, trong đó nuôi từ các hộ đạt khoảng 265.000 tấn (khảo sát 100 hộ nuôi tại các tỉnh), từ các doanh nghiệp khoảng 280.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu cá tra có thể đạt 1.3 tỷ USD năm 2011. |
Mỹ là thị trường lớn thứ 2, chiếm 14,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra, nhưng đây là thị trường có ảnh hưởng lớn đến các thị trường khác trên nhiều mặt. Sản lượng 3 tháng đầu năm tăng 88,4%, giá trị tăng cao trên 94% so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất xấp xỉ 4 USD/kg (FOB). Nam Mỹ được xem là thị trường đầy tiềm năng của cá tra Việt Nam với sự gia tăng nhanh chóng khối lượng xuất khẩu vào Mexico, Chilê… đặc biệt là Brazil.
Mặc dù Brazil dùng nhiều biện pháp bảo hộ như thuế nhập cao, kéo dài thời gian cấp giấy phép nhập khẩu lên 120 ngày, nhưng vẫn không ngăn được lượng cá xuất vào Brazil và trở thành điểm nóng xuất khẩu cá tra khi khối lượng tăng 290% và giá trị tăng trên 334%.
Số DN tham gia xuất khẩu cá tra cũng giảm xuống còn 144 so với trên 200 DN. Trong đó, số lượng DN thương mại giảm do các nhà nhập khẩu, sau những lần giao dịch không thành công với một số nhà máy chế biến hay công ty thương mại không trung thực (ký hợp đồng nhưng không có hàng để giao), nên nhà nhập khẩu tìm đến những DN chế biến, đặc biệt là các DN có vùng nuôi để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định và đảm bảo khả năng giao hàng. Tuy nhiên, khó khăn và thách thức của việc xuất khẩu cá tra vẫn còn nhiều: tình trạng bôi nhọ hình ảnh cá tra Việt Nam, vấn đề thuế chống bán phá giá từ Mỹ và tranh cãi việc kiểm soát từ FDA hay sang USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) vẫn treo lơ lửng. Việc các nước xung quanh như Thái Lan, Bangladesh, Pakistan, Philippines ngày càng cải tiến và nâng cao diện tích nuôi cá tra để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
CÔNG PHIÊN