Từ giữa tháng 2, khi giá trong nước vẫn còn ảm đạm, một chuyên gia lâu năm đã nhận định giá lúa gạo sẽ bật tăng trở lại. Thời gian gần đây, thị trường lúa gạo trong nước sôi động hẳn lên, giá tăng sớm hơn so với dự báo trước đó.
Giá lúa tăng mạnh
Giải thích nguyên nhân làm giá lúa gạo lại tăng ngay giai đoạn thu hoạch rộ vụ đông xuân, khác hẳn đầu vụ năm rồi phải mua tạm trữ, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho rằng năng suất, sản lượng lúa đông xuân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị giảm do nhiều tỉnh ven biển bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Trong khi đó, các doanh nghiệp phải mua thêm để thực hiện hợp đồng đã ký, kể cả với Cuba. “Tin đồn” Indonesia, Philippines đã và sẽ đàm phán để có hợp đồng sớm, lại thêm thông tin về mời thầu dự trữ quốc gia khoảng 180.000 tấn gạo ở nhiều vùng trong cả nước nên đã có tác động nhất định. Bên cạnh đó, cũng có thông tin cho rằng, giá tăng những ngày gần đây còn do sự xuất hiện của nhiều thương nhân Trung Quốc tại TPHCM để mua hợp đồng chính ngạch, cùng với đó là một bộ phận thương nhân Trung Quốc xuống vùng ĐBSCL, đến tận kho của doanh nghiệp để mua, vận chuyển ra cảng Hải Phòng và các tỉnh biên giới phía Bắc theo đường biên mậu.
Những điều này làm giá lúa tăng 300 - 600 đồng/kg tùy loại, giá gạo xuất khẩu được doanh nghiệp trong nước chào bán cũng phải tăng theo so với trước đó, như gạo 5% tấm hiện được chào bán tăng hơn 10 USD/tấn, lên 370 - 380USD/tấn; tương tự, gạo 25% tấm ở mức 350 - 360USD/tấn, riêng với gạo thơm Jasmines tăng thêm 5 USD/tấn, lên 445 - 455USD/tấn. Theo nhận định, giá lúa gạo vùng lúa ĐBSCL được dự báo sẽ còn tăng, khi mà diễn biến khô hạn và xâm nhập mặn vẫn còn phức tạp, nếu tháng 4, tháng 5 không mưa, còn có thể thiệt hại cả năng suất và sản lượng vụ hè thu. Với diễn biến này, người trồng lúa khu vực không bị ảnh hưởng khô hạn và mặn sẽ được lợi. Ngược lại, đây lại là bài toán khó cho doanh nghiệp khi giá lúa gạo tăng mạnh, khiến giá thành xuất khẩu gạo của Việt Nam cao, trong khi giá thị trường thế giới chưa chuyển động nhiều.
Nông dân ĐBSCL phơi lúa chế biến gạo xuất khẩu. Ảnh: Cao Minh
Cơ hội mua vào?
Hiện tượng El Nino hiện nay được nhận định là ảnh hưởng nặng nề nhất trong nhiều thập niên, không chỉ tác động ở Việt Nam mà còn nhiều nước sản xuất lúa gạo khác trong khu vực. Hai nước nhập khẩu gạo lớn là Philippines và Indonesia cũng chịu ảnh hưởng đến sản xuất nên nhu cầu nhập khẩu sẽ không thể thấp hơn năm 2015. Vấn đề hiện nay là do đang trong thời điểm thu hoạch lúa trong nước, theo quy định không được nhập khẩu nên 2 quốc gia trên phải đợi đến cuối tháng 6 hay quý 3-2016 mới bàn chuyện nhập gạo. Tương tự, dù Trung Quốc không bao giờ công bố thông tin về sản xuất và nhu cầu lúa gạo nhưng những người trong cuộc cũng biết ít nhiều, sản lượng lúa bị thiệt hại vì El Nino và đợt không khí lạnh mạnh nhất nhiều năm qua không phải thấp, vì vậy nhu cầu nhập khẩu của nước này được nhận định là lớn. Trong khi đó, cũng vì thiếu nước nên vụ sản xuất lúa gạo hiện nay tại Thái Lan bị suy giảm, do họ chủ động giảm sản lượng từ 30 triệu tấn lúa còn 25 triệu tấn lúa.
|
Hiện tượng này cũng tác động đến sản xuất lúa gạo của Ấn Độ. Tuy có những nhận định chưa thống nhất về mức độ ảnh hưởng, nhưng nhiều khả năng nước này sẽ giảm lượng gạo xuất khẩu năm nay so với năm 2015 - khoảng 10 triệu tấn gạo. Tương tự, với tình hình hạn hán, dự báo năm nay Thái Lan cũng sẽ giảm lượng gạo xuất khẩu so với năm rồi là hơn 9 triệu tấn. Mặc dù Thái Lan vẫn còn tồn kho khoảng 13 triệu tấn, nhưng trong đó, khoảng 3 triệu đã bị hư hỏng, khoảng 2 triệu tấn sử dụng làm ethanol, còn khoảng 7 triệu tấn là nếp, gạo thơm, gạo thường với giá mua vào rất cao. Vì vậy, với tình hình hiện nay, nguồn cung giảm cộng với tình hình nội bộ nên chính phủ, quân đội Thái Lan khó có thể bán ra ồ ạt với giá thấp như trước vì sẽ dẫn đến thua thiệt (2 hợp đồng cấp chính phủ bán cho Philippines và Indonesia năm 2015 hầu như bị lỗ), điều này có thể dẫn đến bất ổn xã hội và chính trị. Trong khi tại Việt Nam, lượng gạo gối đầu năm 2015 sang năm 2016 giảm khá mạnh so với các năm trước đó, lại còn chịu sự tác động của hạn mặn, nhất là ở vựa lúa vùng ĐBSCL, làm giảm sản lượng vụ đông xuân. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ xuân hè không thể trồng diện rộng, hè thu có thể giảm 30% diện tích. Như vậy, nguồn cung dồi dào từ 3 nước xuất khẩu hàng đầu là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam bị suy giảm, trong khi nhu cầu lương thực thế giới không thể giảm mà chỉ tăng, nên giá gạo thế giới sẽ khó có thể đứng ở mức thấp hiện nay.
Với những diễn biến này, một số doanh nghiệp xuất khẩu đã âm thầm mua vào thời gian qua. Tranh thủ khi Trung Quốc, Philippines, Indonesia chưa nhập khẩu mạnh là cơ hội để doanh nghiệp dồn lực mua lúa gạo vào, khi lãi vay ngân hàng hiện nay dù có rục rịch tăng nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn 2009-2010; đồng thời, không hấp tấp ký hợp đồng với giá thấp dẫn đến thiệt hại, chấp nhận trữ trong kho. Thậm chí có người cho rằng, diễn biến hiện nay có những nét tương đồng như năm 2008-2009. Giá gạo thế giới có khả năng hồi phục ở mức cao, dù không như năm 2008. Đây có thể là nhận định chủ quan của chuyên gia, nhưng nếu nắm chắc và tổng hợp các thông tin trong và ngoài nước, các doanh nghiệp sẽ có được chiến lược kinh doanh hợp lý.
CÔNG PHIÊN