Xứng danh anh hùng

Đại tá Nguyễn Đức Hùng, tức Tư Chu, sinh năm 1928, quê ở xã Hậu Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, ngay từ nhỏ, ông đã sớm có lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc sâu sắc. Năm 12 tuổi, ông đã tham gia cách mạng. Sau khi được cơ sở cách mạng cử đi học lớp quân chính trở về, ông được cấp trên phân công vào hoạt động bí mật tại nội thành Sài Gòn - Gia Định.

Đại tá Nguyễn Đức Hùng, tức Tư Chu, sinh năm 1928, quê ở xã Hậu Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, ngay từ nhỏ, ông đã sớm có lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc sâu sắc. Năm 12 tuổi, ông đã tham gia cách mạng. Sau khi được cơ sở cách mạng cử đi học lớp quân chính trở về, ông được cấp trên phân công vào hoạt động bí mật tại nội thành Sài Gòn - Gia Định.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, lần đầu tiên ra trận, ông đã dũng cảm dùng 2 quả lựu đạn tự tạo tiêu diệt kẻ thù. Đến cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định ngày càng lớn mạnh, trong đó có những trận đánh vang dội của anh Nguyễn Văn Trỗi, Trần Văn Đang làm rung chuyển Sài Gòn.

Tiếp bước các anh, ông Tư Chu cùng đồng đội bí mật đánh vào cư xá Mỹ ở đường Hai Bà Trưng tiêu diệt hàng trăm tên địch. Năm 1965, ông Tư Chu cùng đồng đội bí mật đem vào nội thành khối thuốc nổ nặng 150kg thiêu rụi 30 ô tô, làm chết và bị thương hơn 100 tên địch. Với tài “xuất quỷ nhập thần” của đội quân Biệt động Sài Gòn - Gia Định đặc biệt tinh nhuệ (lấy bí danh F100) do ông Tư Chu chỉ huy đã làm kẻ thù lo sợ đứng ngồi không yên. Trong Chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968, ông cùng đồng đội lập nhiều chiến công vang dội, chính quyền chế độ cũ hoảng sợ phải treo giải thưởng tới 2 triệu USD cho những ai bắt được “Thủ lĩnh F100” Tư Chu. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đại tá Nguyễn Đức Hùng tiếp tục có nhiều cống hiến cho đất nước.

Từ nhiều năm nay, ông bệnh ung thư vòm họng. Khi nằm trên giường bệnh ông luôn đau đáu nhớ về đồng đội cũ, nhất là những liệt sĩ đã anh dũng hy sinh xương máu cho Tổ quốc, trong đó có nhiều người đã được Đảng, Nhà nước ghi công, nhưng còn nhiều người do mang bí số, bí danh và những cơ sở bí mật nên đến nay vẫn chưa được biết đến. Cách đây không lâu, ngày 3-1-2012, tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, TPHCM, Đại tá Nguyễn Đức Hùng vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trước sự kiện này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang xúc động nói: “Đến nay mới trao anh danh hiệu cao quý này, có thể nói đây là thiếu sót của chúng tôi, trách nhiệm thuộc về chúng tôi, mong anh mau bình phục để chứng kiến cảnh đất nước đổi thay…”.

Chiều 16-5, khi nghe tin Anh hùng LLVTND Tư Chu qua đời, dẫu biết ông tuổi cao sức yếu, mắc bệnh hiểm nghèo từ lâu nhưng ai nấy không khỏi bàng hoàng, thương tiếc. Những cựu chiến binh trong lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định đau xót báo tin nhau “anh Tư Chu mất rồi…” để rồi ai nấy lặng đi trước sự ra đi của thủ lĩnh biệt động dũng cảm, tài ba và rất đỗi thân thương. Trung tướng Lê Thành Tâm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TPHCM nghẹn ngào: “Nghe tin anh Tư Chu ra đi mãi mãi, tôi không khỏi bất ngờ và xúc động. Tận đáy lòng, tôi luôn cảm phục ý chí, đức độ của một người đàn anh đi trước. Anh Tư Chu đã sống, chiến đấu thật xứng danh anh hùng…”.

Minh Yến - Đoàn Hiệp

Tin cùng chuyên mục