Sau khi Báo SGGP đăng bài viết “Chép” sách, đoạt giải Euréka phản ảnh một đề tài đoạt giải nhì Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka lần thứ 11 có nhiều đoạn được chép từ sách “Văn hóa hẻm phố Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh”, Báo SGGP đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc và nhà khoa học xoay quanh vấn đề này.
PHẠM VIỆT KHÁNH (sinh viên năm 4, ĐH KHXH-NV TPHCM): Bài học về lòng trung thực
Sau khi đọc bài ”Chép” sách, đoạt giải Euréka, tôi vô cùng bất ngờ. Ở góc độ cùng là sinh viên, tôi thông cảm với những khó khăn mà Đinh Thị Thanh Trúc gặp phải trong quá trình thực hiện đề tài khoa học. Tuy nhiên, Trúc chưa thực sự dốc sức, trung thực trong quá trình thực hiện đề tài. Trong chuyện này, Trúc đã nhận lỗi, coi đó là bài học sâu sắc cho mình và đó cũng là bài học cho tất cả những bạn trẻ đang và sẽ nghiên cứu khoa học.
Về phía Ban tổ chức (BTC), tôi nghĩ họ nên nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức và chấm giải. Theo tôi, một đề tài chép sách mà vẫn được trao giải nhì thì trách nhiệm trước tiên phải thuộc về BTC. Đừng để sinh viên nghĩ rằng, Euréka là tấm thảm đỏ để họ dễ dàng bước vào đời. Bất cứ sân chơi nào dù lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ luật lệ. BTC lập luận rằng chưa có quy chế, luật lệ về việc sử dụng trích dẫn là thiếu cơ sở, cố ý né tránh trách nhiệm. Điều đó chứng tỏ, BTC không dũng cảm đối mặt với sự thật, thiếu trách nhiệm.
TRẦN BÁ HIỆP (27 tuổi, đường Nguyễn Cừ, quận 2, TPHCM): Cần nghiêm túc trong tổ chức, chấm giải
Euréka là giải thưởng có uy tín, mang tính động viên, khích lệ phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên. Tiếc là một số bạn sinh viên hiện tự cho phép mình quá dễ dãi, sớm bằng lòng với sản phẩm của mình. Quan niệm đơn giản, hời hợt ấy phần nào đã thui chột sự tìm tòi, sáng tạo của giới trẻ.
Theo tôi, đối với những đề tài lọt vào vòng chung khảo, BTC nên xem xét kỹ nội dung và cả phần phụ lục tài liệu tham khảo. Với những đề tài không có tính mới lạ (trước đó đã có người nghiên cứu), BTC nên gửi công văn hoặc liên lạc với các cơ quan liên quan (nơi thí sinh có sử dụng tài liệu tham khảo) để xin ý kiến.
Có thể, trong quá trình chấm giải, BTC không thể phát hiện hết sai sót nhưng nếu cẩn trọng, chặt chẽ hơn, chắc chắn sẽ lựa chọn được những công trình chất lượng, có sức thuyết phục, mang tính ứng dụng cao. Muốn vậy từ khâu tổ chức, chấm giải đến trao thưởng đều phải nghiêm túc chứ không phải làm cho có. Tất cả mọi người đều mong muốn, giải thưởng Euréka phải thực sự là vườn ươm cho các nhà khoa
học trẻ.
PGS-TS PHAN AN (Chủ tịch Hội đồng Khoa học giải thưởng Euréka - lĩnh vực khoa học xã hội): Hội đồng chấm giải cũng cần rút kinh nghiệm!
Trong đề tài của mình, em Trúc có tiếp nhận một số ý tưởng trong cuốn sách “Văn hóa hẻm phố Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh” của nhóm tác giả. Tôi cho rằng, việc tham khảo sách, tài liệu là việc cần thiết trong quá trình nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, em Trúc phải tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng trích dẫn vì Hội đồng khoa học không thể thẩm tra, xác minh tất cả các lĩnh vực dự thi.
Tôi cũng chưa có điều kiện xem lại những đoạn em Trúc sử dụng từ cuốn sách nhưng quan điểm của tôi là không nên nhìn nhận vấn đề một cách quá khắt khe. Sai sót thì phải rút kinh nghiệm nhưng không nên nặng nề đến mức khiến em Trúc bị sốc. Ai nghiên cứu khoa học cũng có thể gặp sai sót, dư luận nên có cái nhìn bao dung hơn để họ có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, khuyến khích sinh viên trong nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên qua sự việc này, BTC, Hội đồng chấm giải cũng cần phải rút kinh nghiệm nghiêm túc, khắc phục thiếu sót để giải thưởng Euréka ngày càng chất lượng hơn. Bản thân các sinh viên cần phải trung thực, chuẩn mực hơn trong nghiên cứu khoa học… Sự nghiệp nghiên cứu khoa học rất khó khăn, vất vả chứ không hề đơn giản như suy nghĩ của một số bạn trẻ.
H.HOA - T.HỢP