Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã tạo được sự đồng thuận lớn trong xã hội, là một trong những công cụ giữ nền kinh tế thị trường phát triển bền vững và chính sách an sinh xã hội lâu dài. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật BHXH cũng còn phát sinh nhiều bất cập, cần phải điều chỉnh…
Trước hết, tại Điều 94 Luật BHXH quy định tiền lương đóng BHXH là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động. Chính vì vậy, hiện nay không ít chủ sử dụng lao động làm hợp đồng với mức lương tượng trưng, chỉ trên hoặc bằng mức lương tối thiểu quy định. Chính vì vậy, mức đóng BHXH sẽ rất thấp, không đảm bảo được cuộc sống cho người lao động khi nghỉ việc, trong lúc mức thu nhập thực tế của người lao động cao hơn gấp nhiều lần và người lao động được đóng BHXH tương ứng.
Theo đó, cần sửa đổi, điều chỉnh Điều 94 theo hướng quy định tiền lương tiền công đóng BHXH được tính trên cơ sở thu nhập hàng tháng của người lao động.
Mặt khác, theo quy định, người sử dụng lao động được giữ lại 2% tiền đóng BHXH để kịp thời chi trả trợ cấp ốm đau, thai sản cho người lao động nhưng trên thực tế phát sinh nhiều vướng mắc làm kéo dài thời gian giải quyết chế độ, làm tăng khối lượng công việc và chi phí quản lý cho cơ quan BHXH, đồng thời, không đảm bảo nguyên tắc quản lý tập trung, thống nhất của ngành.
Theo đó, cần điều chỉnh khoản 1, Điều 92 và Điều 117 Luật BHXH theo hướng hàng tháng chủ sử dụng lao động gửi các chứng từ về ốm đau, thai sản… cho cơ quan BHXH, căn cứ vào danh sách đó, chủ sử dụng lao động sẽ duyệt chi. Về chế độ tử tuất tại điều 66, 67 của Luật BHXH cũng chưa hợp lý, cần cho thân nhân của lao động bị chết được lựa chọn loại trợ cấp thường xuyên hoặc một lần.
Bên cạnh đó, quy định tuổi nghỉ hưu và mức hưởng lương bộc lộ những điểm chưa hợp lý như: tuổi nghỉ hưu còn thấp, nhất là đối với nữ, trong khi tuổi thọ trung bình ngày càng tăng, làm kéo dài thời gian hưởng lương hưu; quy định về điều kiện giảm tuổi nghỉ hưu, nghỉ trước tuổi quá rộng nên số người nghỉ hưu trước tuổi ngày càng tăng (hiện có gần 60% người nghỉ hưu trước tuổi) nhưng quy định trừ tỷ lệ phần trăm thấp (chỉ trừ 1% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi)... Thực tế đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự bền vững của quỹ hưu trí, tử tuất trong tương lai.
Mặt khác, quy định về điều kiện hưởng trợ cấp BHXH một lần theo điểm b và c, khoản 1 Điều 55 chưa đảm bảo mục đích an sinh xã hội. Vì vậy, để đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài cho người lao động, nên quy định đối tượng chỉ được hưởng trợ cấp một lần khi hết tuổi lao động nhưng không đủ 20 năm đóng BHXH; khi đi nước ngoài định cư; khi mắc bệnh hiểm nghèo đối với một số trường hợp và có nguyện vọng nhận trợ cấp một lần…
Hồ Việt