Việc nhắc nhở khi học sinh không thuộc bài, không làm đủ bài tập về nhà hoặc bỏ tiết, nhất là đối với học sinh lớp 12, sắp đến ngày thi tốt nghiệp và đại học là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, lại rất đáng ngại khi một số giáo viên phân tích về “hình phạt” đối với những nam sinh không đậu đại học là… đi nghĩa vụ quân sự. Tôi đã được nghe một thầy giáo của con tôi nhắc nhở học trò: “Nếu rớt đại học thì sẽ bị gọi đi lính, đến lúc trở về chẳng còn nhớ kiến thức để thi lại, khi đó chỉ đi làm công nhân hoặc làm thuê. Đi lính về là mất hết cơ hội vào đời, sau này làm sao dám nhìn mặt bạn bè”.
Với những phân tích và định hướng lệch lạc đó, các bạn trẻ chuẩn bị vào đời sẽ hình dung rằng những thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự là những người vô dụng, không còn cơ hội học tập hoặc không còn kiến thức để tiếp tục học tập. Thậm chí, môi trường quân đội lại trở thành nơi hủy hoại tương lai của giới trẻ. Những quân nhân trở về sẽ chỉ là những người đi làm thuê, bươn chải với cơm áo gạo tiền, chứ không thể thành đạt như các bạn học đại học.
Trong khi Thông tư liên tịch số 175/2011/TTLT-BQP-BGDĐT đã sửa đổi, bổ sung ngày 22-1-2013 quy định trường hợp không được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự, đó là công dân nhận được lệnh gọi nhập ngũ và giấy báo nhập học cùng một thời điểm thì phải chấp hành lệnh gọi nhập ngũ. Trường hợp cùng nhận được giấy báo nhập học và lệnh gọi nhập ngũ mà lệnh gọi nhập ngũ quy định thời gian có mặt sau thời gian nhập học, công dân vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đây là thông tư được dư luận ủng hộ và đánh giá cao, nhiều người cho rằng đi nghĩa vụ quân sự sẽ giúp cho giới trẻ chững chạc và có cái nhìn sâu sắc hơn trước khi bước vào môi trường học tập chuyên sâu như bậc đại học. Vì vậy, lẽ ra nhà trường có nhiệm vụ phân tích những điểm sáng của thông tư này cho học sinh và gia đình hiểu rõ để thực hiện theo quy định của nhà nước thay vì định hướng một cách lệch lạc như vậy.
Minh Vân (66 đường số 2, phường Phú Hữu, quận 9)