Báo SGGP ngày 29-4 thông tin về học sinh vi phạm luật giao thông gia tăng và diễn biến phức tạp. Điều này không mấy bất ngờ với nhiều người vì chúng ta có thể chứng kiến dễ dàng hiện tượng học sinh vi phạm luật giao thông ở mọi nơi. Lỗi vi phạm phổ biến nhất, đặc biệt là học sinh THPT là điều khiển mô tô khi chưa có giấy phép lái xe hoặc chở ba, lạng lách, đánh võng, không đội nón bảo hiểm. Với những học sinh ở cấp học nhỏ hơn là những lỗi như qua đường không đúng nơi quy định, chạy xe đạp dàn hàng ba trên đường.
Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông là một bộ phận phụ huynh chưa thật sự quan tâm đến con em mình tham gia giao thông nên không nhắc nhở, răn đe kịp thời. Nhiều phụ huynh còn mua mô tô cho con em mình khi chưa đủ tuổi theo quy định và đây là việc làm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Ở lứa tuổi này, các em chưa ý thức được trọn vẹn những hậu quả có thể gây ra cho mình và người khác khi lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, không đội nón bảo hiểm trên đường. Nhiều phụ huynh khi đưa con em mình đến trường lại không đội nón bảo hiểm cho mình hoặc cho con, dẫn đến việc noi gương xấu cho các em.
Trong vấn đề này, không thể không kể đến nguyên nhân xuất phát từ nhà trường. Những buổi học về luật giao thông chưa được nhiều trường tổ chức thường xuyên và thiết thực. Việc quản lý sự chấp hành luật giao thông của học sinh trường mình cũng chưa được các trường thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Tôi xin ví dụ đơn giản là việc học sinh chưa đủ tuổi đi xe phân khối lớn. Các trường hoàn toàn có thể từ chối việc giữ xe với những trường hợp này tại khuôn viên trường mình. Với những trường hợp học sinh vi phạm gửi xe ở bên ngoài, nhà trường có thể phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, ghi tên học sinh vi phạm và có hình thức kỷ luật. Việc tuyên truyền, giáo dục luật giao thông với học sinh cần kết hợp với việc răn đe, xử lý kỷ luật, đánh giá hạnh kiểm và có sự giáo dục từ chính gia đình thì mới có được kết quả tốt nhất.
Lê Quang (quận Thủ Đức, TPHCM)