

Làng quê thanh bình ở An toàn khu Định Hóa làm tăng sức hấp dẫn của du lịch Thái Nguyên.
Khi nói đến du lịch Thái Nguyên, dường như ai cũng nghĩ đến hình ảnh hồ Núi Cốc. Không riêng ở Việt Nam mà trên thế giới không dễ có một hồ đẹp như vậy.
Diện tích mặt hồ rộng tới 25km2, có 89 hòn đảo lớn nhỏ. Hơn nữa khu vực này lại có những tài nguyên du lịch nhân văn (bản làng dân tộc, truyền thuyết lịch sử, vùng sản xuất chè nổi tiếng).
Thế nhưng, trong một cuộc hội thảo về du lịch được tổ chức ở tỉnh, đã có ý kiến tham luận chỉ thẳng ra rằng: “Khu du lịch này đang tự đánh mất mình, nguồn khách quan trọng từ thủ đô Hà Nội giảm nhanh chóng vì cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu khá cao về chất lượng và dịch vụ của nguồn khách”. Và “Nếu không làm lại từ đầu thì du lịch Thái Nguyên đang rất mờ nhạt, sẽ tiếp tục “chìm”.
Năm du lịch Thái Nguyên 2007 đang đến gần, những nhận xét như vậy dễ làm phật lòng chủ nhà. Trong khi năm 2006, có thể sẽ có hơn 650 ngàn lượt du khách tìm đến Thái Nguyên.
Nhưng đối với việc phát triển lâu dài, thì thu hút được khách, giữ chân họ và làm sao để họ quay lại – vẫn luôn là tâm tư của những người làm du lịch.
Tổ chức đoàn, đưa đón, bố trí ăn nghỉ với nhiều kinh nghiệm và khá chuyên nghiệp dường như không phải là vấn đề đối với các công ty lữ hành.
Ông Đỗ Trọng Hiệp, Giám đốc Công ty Khách sạn du lịch Dạ Hương – một doanh nghiệp khá thành công trong kinh doanh du lịch tại Thái Nguyên – cho rằng “làm du lịch phải quan tâm đến những điều tưởng như đơn giản nhất và đừng nghĩ chỉ có tiền mới làm ra tiền, mà ý thức còn làm ra tiền hiệu quả hơn”.
Có thể điều nhận định về hồ Núi Cốc và du lịch Thái Nguyên ở trên là thực tế và không thể một sớm một chiều có thể thay đổi, nhưng cách nghĩ về làm du lịch của ông Hiệp không thể không sớm bắt đầu.
Trong một chuyến khảo sát điểm, tuyến du lịch tại Thái Nguyên, một công ty lữ hành đã nêu một ví dụ cụ thể để nhận xét thẳng thắn “Cây đa lịch sử Khuôn Tát đẹp là thế, du khách rất muốn chụp ảnh làm kỷ niệm nhưng rất ngại đứng chung với... rác. Cái quán nhỏ nhếch nhác bên cạnh rất thiếu mỹ quan, không thích hợp ở đây. Lối đi vào nơi Bác Hồ từng ở lán Khuôn Tát và một số di tích khác đều thiếu sự chăm sóc. Những điểm du lịch tĩnh còn chưa được chú ý thì cái cuộc sống tự nhiên thường nhật làm lên hình ảnh của một bức tranh du lịch mang bản sắc riêng của Thái Nguyên còn khó khăn hơn...”.
Việc huy động người dân tham gia giữ gìn môi trường xanh sạch là điều hoàn toàn có thể làm được. Nếu một tài xế taxi, người chở xe ôm hay người bán hàng rong đều có thể là một hướng dẫn viên nhiệt tình, mỗi cô gái hái chè, đan nón đều là chủ nhà mến khách thì chắc chắn du khách sẽ thấy ấm lòng, dù cơ sở lưu trú còn đơn sơ.
Quy hoạch những dãy quán nhỏ xinh xắn, mang bản sắc địa phương để du khách dừng chân ở các khu du lịch lịch sử, sinh thái không phải là điều không làm được đối với chính quyền cấp xã. Có vẻ như việc tuyên truyền, hướng dẫn ý thức làm du lịch cho người dân địa phương còn quá xa lạ với Thái Nguyên trong khi đã có nhiều địa phương khác thực hiện rất tốt.
Chỉ còn vài tháng nữa là bắt đầu những hoạt động của Năm du lịch quốc gia, một cơ hội tốt cho Thái Nguyên nhìn nhận và quy hoạch lại việc phát triển du lịch có tính bền vững. Nâng cao ý thức về du lịch của cả cộng đồng là việc làm cấp thiết, sẽ mang lại hiệu quả lâu dài. Việc làm này không thể chậm trễ.
Nguyên Bình