Về mục tiêu phát triển thành phố trong nhiệm kỳ mới, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X đã xác định: “Xây dựng Đảng bộ thành phố thật trong sạch, vững mạnh; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á”.
Lứa tuổi mầm non ở TPHCM ngày càng được chăm sóc tốt hơn, tạo điều kiện để phát triển tốt. Giờ học hát của các bé ở Trường Họa Mi 2, quận 5, TPHCM. Ảnh: Bảo Ngọc
Bốn thành tố Chất lượng sống tốt, Văn minh, Hiện đại, Nghĩa tình là mục tiêu có tính khái quát của Đảng bộ, cũng là nguyện vọng của người dân thành phố. Dĩ nhiên, khi đặt ra mục tiêu này thì các thành tố đều có nội hàm riêng và gần như không thể thay thế nhau. Tuy nhiên, có hai thành tố mang tính chi phối đồng thời có nét đặc sắc của thành phố; đó là Chất lượng sống tốt và Nghĩa tình.
Chất lượng sống tốt có thể hiểu là phải bảo đảm cả về mặt tinh thần và vật chất cho người dân, tức là phải bảo đảm cả về văn minh và văn hóa. Trong đó, văn minh hiểu theo nghĩa hẹp là một xã hội, một nếp sống có những đặc điểm của một nền văn hóa phát triển cao. Khi nói đến văn minh, người ta thiên về vật chất, nhưng trong yếu tố vật chất đó cũng có yếu tố tinh thần, tức là nói văn minh thì cũng có một phần đề cập yếu tố văn hóa. Vì vậy, nhắc đến văn minh là đề cập một xã hội với các yếu tố vật chất, kỹ thuật của nó đã phát triển đến một trình độ cao, có sự quy củ, nề nếp chặt chẽ. Do đó, trong chừng mực nào đó, nói đến văn minh thì có thể đã bao gồm cả những yếu tố cơ bản của sự phát triển, sung túc, tức là đã có những đặc điểm của giàu đẹp.
Có thể hiểu rằng, với yếu tố chất lượng sống tốt, một xã hội, hay hẹp hơn là một địa phương, thì xã hội đó có những đặc điểm chủ yếu, như có điều kiện kinh tế phát triển khá cao, trong đó đặc biệt bao gồm những mô hình hiện đại, tiên tiến. Chẳng hạn, một xã hội công nghiệp hoặc dịch vụ có quy mô lớn, với những phương thức mới, chứ không phải một nền sản xuất nhỏ, nông nghiệp lạc hậu, tiểu thủ công nghiệp thuần túy hoặc dịch vụ nhỏ lẻ. Đồng thời, về ý thức xã hội, phải có đông đảo người dân có trình độ học vấn và trình độ văn hóa khá cao, tinh thần tôn trọng pháp luật thể hiện rõ nét, chú trọng bảo vệ môi trường, tích cực tham gia xây dựng môi trường sống tiến bộ, lành mạnh… Về đời sống, yếu tố chất lượng sống tốt còn thể hiện ở một mức sống khá, điều kiện và chất lượng sống phải ở một mức cao, các chỉ số về an toàn, y tế, giáo dục, giao thông… đều ở mức tích cực. Chẳng hạn, thật khó chấp nhận một xã hội gọi là chất lượng sống tốt hay văn minh nếu thiếu yếu tố thượng tôn pháp luật, việc sinh hoạt còn bừa bộn, thiếu kỷ cương, trật tự, quan hệ và ứng xử giữa các thành viên trong cộng đồng đó còn lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm và sự tôn trọng lẫn nhau, hoặc trong điều kiện mức sống và chất lượng sống thấp, sự tiện lợi và an toàn của các dịch vụ công không được bảo đảm, các hoạt động mang tính an sinh xã hội không được tổ chức tốt…
Với tình hình thực tiễn của thành phố, yếu tố chất lượng sống tốt thể hiện một khao khát, mong mỏi lớn lao và phải có sự nỗ lực rất lớn mới đạt được. Nhưng hiện nay, yếu tố này đã có những biểu hiện rõ nét. Chẳng hạn, về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đường giao thông, các công trình công cộng, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh đạt cao, diện tích và chất lượng nhà ở ngày càng được cải thiện…
Có thể khẳng định rằng, cùng với sự hiện đại, văn minh, yếu tố chất lượng sống tốt chắc chắn sẽ đạt được. Tuy nhiên, yếu tố nghĩa tình vốn là một nét đặc trưng của thành phố, vốn được rất nhiều người tâm đắc, thì có thể sẽ gặp nhiều thử thách không nhỏ. Với sự phát triển không ngừng của đời sống kinh tế - xã hội, yếu tố gắn kết cộng đồng, sự quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau không phải lúc nào cũng được thể hiện rõ. Do đó, xác lập yếu tố nghĩa tình là một mục tiêu của thành phố có thể thấy là một sự sáng suốt của lãnh đạo thành phố.
Nghĩa tình vốn là một chất keo gắn kết những người dân vốn từ rất nhiều nơi đến lập nghiệp và sinh sống ở vùng Gia Định - Bến Nghé xưa. Những ngày đầu đến đây, họ phải đối mặt với bệnh dịch, thú dữ và nhất là bọn quan lại áp bức, vì vậy đã đoàn kết, chung lưng đấu cật để dần vượt qua các khó khăn đó. Đến khi Sài Gòn - Gia Định lọt vào tay người Pháp, người dân thành phố còn chung sức để chống lại bọn cướp nước, giúp đỡ những người làm “quốc sự”, làm cách mạng. Yếu tố nghĩa tình còn là một sự giác ngộ, ban đầu là lòng yêu nước, sau nữa là làm cách mạng, sau nữa là tham gia các hoạt động do Đảng lãnh đạo. Có thể nói rằng, yếu tố nghĩa tình vốn xuyên suốt trong các giai đoạn lịch sử của thành phố, nhưng từ khi có Đảng lãnh đạo thì yếu tố này có nội hàm rộng hơn, thể hiện trên nhiều lĩnh vực hơn và có sự thuyết phục rõ nét hơn.
Từ sau ngày giải phóng, yếu tố nghĩa tình được thể hiện rõ trong việc chung sức giúp nhau vượt nghèo, trong phong trào khuyến học, xây dựng đời sống văn hóa, chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng và người có công… Tuy nhiên, trong sự phát triển không ngừng, nếu không có sự nỗ lực, không có cách thức tác động phù hợp, yếu tố nghĩa tình có thể không còn nguyên vẹn. Lối sống thiên về cá nhân, giảm sự gắn kết, quá đề cao các quyền lợi riêng… có thể khiến tinh thần “vì mọi người” bị mai một. Do đó, cần sự khơi gợi, động viên, cũng như có những cách thức tác động phù hợp thì mới có thể không những không làm giảm đi yếu tố nghĩa tình mà còn phát huy nó ngày càng đậm đà hơn, thắm thiết hơn.
Vừa qua, trong hội nghị Bộ Chính trị góp ý dự thảo Văn kiện của Đảng bộ thành phố, chính đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá cao việc lãnh đạo thành phố đưa yếu tố nghĩa tình vào dự thảo để trở thành một mục tiêu quan trọng trong quá trình định hướng phát triển. Điều đó cho thấy nhận thức của các vị lãnh đạo về tầm quan trọng của tính chất đặc trưng này trong lòng nhân dân thành phố, cũng như ý nghĩa của nó trong sự phát triển của thành phố. Do đó, với tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước”, thành phố càng phải nỗ lực gìn giữ và phát huy yếu tố nghĩa tình, không chỉ để giữ lại một nét đặc sắc mà còn góp phần vào việc đạt yêu cầu chất lượng sống tốt của thành phố mang tên Bác!
VÂN TÂM (Quận 3, TPHCM)