10 năm hợp tác giữa TPHCM và Long An: Hiệu quả chưa như kỳ vọng

Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hợp tác kinh tế - xã hội giữa TPHCM và tỉnh Long An cho thấy, vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Chế biến giò chả tại Công ty Vissan, doanh nghiệp tại TPHCM đầu tư xây dựng nhà máy tại tỉnh Long An. Ảnh: CAO THĂNG
Chế biến giò chả tại Công ty Vissan, doanh nghiệp tại TPHCM đầu tư xây dựng nhà máy tại tỉnh Long An. Ảnh: CAO THĂNG
Kế hoạch hợp tác kinh tế - xã hội giữa TPHCM và tỉnh Long An được lãnh đạo 2 địa phương ký kết vào ngày 26-6-2007. Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp (DN) 2 địa phương đã có nhiều chương trình, nội dung hợp tác trong các lĩnh vực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cho giai đoạn mới. Tuy nhiên, báo cáo của 2 địa phương cho thấy, kết quả thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Những kết quả ban đầu
Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM và Long An được ký kết ở 14 lĩnh vực, bao gồm: quy hoạch và cung cấp thông tin, thu hút đầu tư, giao thông vận tải, phát triển đô thị, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch, giáo dục - đào tạo, y tế, an sinh xã hội, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, thông tin - truyền thông, cấp nước và an ninh trật tự. 
Trong lĩnh vực quy hoạch và cung cấp thông tin, 2 địa phương đã phối hợp trong việc cung cấp, góp ý và trao đổi thông tin để thống nhất việc xây dựng, quản lý và thực hiện các quy hoạch như quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch tổng thể TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; quy hoạch tổng thể các huyện giáp ranh; các quy hoạch ngành, sản phẩm chủ yếu khác. Ngoài ra, 2 địa phương cũng thực hiện trao đổi các thông tin liên quan trong việc kết nối hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông, cấp nước; thực hiện hạn chế ô nhiễm trên sông Cần Giuộc, kênh Thầy Cai và dự án chống ngập lụt của TPHCM. 
Tương tự, lĩnh vực thu hút đầu tư, giữa Long An và TPHCM cũng có sự phối hợp khá tốt trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư của 2 bên, nhất là tỉnh Long An đã thúc đẩy mối quan hệ với các tổ chức nước ngoài trên địa bàn TPHCM, thông qua các cuộc hội thảo, tọa đàm về xúc tiến đầu tư. Cụ thể, tính đến đầu năm 2016, đã có 36 DN TPHCM được thành lập để xây dựng cơ sở hạ tầng ở 24 khu công nghiệp (KCN) trên tổng diện tích 8.247,75ha, chiếm 80,7% tổng diện tích đất 28 KCN đã quy hoạch của tỉnh Long An. Các DN này có vốn đầu tư khoảng 14.900 tỷ đồng, chiếm 42% tổng vốn đầu tư đăng ký. Bên cạnh đó, còn có 15 DN của TPHCM đầu tư 15 cụm công nghiệp với tổng vốn 6.726 tỷ đồng. Lũy kế đến đầu năm 2016, có khoảng 400 DN đầu tư thứ cấp từ TPHCM đầu tư vào các KCN tỉnh Long An (chiếm 62% trong tổng số 646 DN ở TPHCM đầu tư thứ cấp tại các KCN tỉnh tỉnh Long An) với tổng số vốn khoảng 43.716 tỷ đồng.
Cũng từ chương trình hợp tác, giao thông đường bộ, đường thủy, vận tải ngày càng được nâng cấp, mở rộng. Các tuyến đường từ Long An đã kết nối tốt với các huyện giáp ranh của TPHCM như Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ. Các tuyến đường vành đai được lập dự án để mở rộng như dự án ĐT.830 (một phần của tuyến đường vành đai 4), với quy mô 4 làn xe; dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành... Giữa Long An và TPHCM có 11 tuyến xe buýt không trợ giá hoạt động (gồm 7 tuyến đối lưu và 4 tuyến không đối lưu) và 3 tuyến cố định liên tỉnh. 
Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tỉnh Long An đã làm cầu nối tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề, cuộc họp, gặp gỡ về thu mua nông sản, gia súc, gia cầm giữa các hộ chăn nuôi của tỉnh với các DN của TPHCM. Đến nay, đã có 28 DN, HTX của Long An ký kết với các nhà phân phối, siêu thị tại TPHCM để cung ứng hàng hóa cho nhu cầu tiêu dùng của người dân. Việc thực hiện chương trình hợp tác phát triển hệ thống hạ tầng thương mại cũng thu hút nhiều DN TPHCM đầu tư các dự án nhà máy chế biến gia súc, gia cầm tại huyện Bến Lức, Đức Hòa; đầu tư hệ thống siêu thị Phan Khang, Co.opmart tại TP Tân An, siêu thị Co.opmart tại huyện Bến Lức và 2 trung tâm thương mại tại TP Tân An… Trong công tác đầu tư và quản lý chợ, tỉnh Long An đã mời gọi 6 DN TPHCM đầu tư phát triển chợ với tổng vốn 136 tỷ đồng…

Cần cơ chế điều phối, liên kết vùng 
Báo cáo kết quả thực hiện chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM và Long An (giai đoạn 2007-2016) chỉ rõ, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Các công trình kết nối hạ tầng tuy đã được 2 địa phương thống nhất nhưng tiến độ triển khai còn rất chậm. Việc thu hồi đất giao cho các nhà đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Việc thu hút, chuyển giao đầu tư từ TPHCM trong lĩnh vực công nghiệp chưa đạt hiệu quả cao, đặc biệt là thu hút nhiều DN mới từ TPHCM đầu tư vào các dự án phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, công nghiệp có đầu vào là nông, lâm, thủy sản.
Điều quan trọng, tỉnh Long An có thế mạnh về nông nghiệp nhưng việc tạo dựng mối quan hệ bền vững giữa sản xuất và phân phối để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp chưa mang lại hiệu quả cao, dẫn đến tình hình đảm bảo an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị sản phẩm còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Liên kết 2 bên trong du lịch chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, các tour du lịch hình thành chưa rõ nét, chưa tạo được hình ảnh chung…

Nguyên nhân chính là một số ngành chức năng của 2 địa phương chưa có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện các nội dung liên kết, hợp tác do lãnh đạo 2 địa phương đã ký. Các nội dung, số liệu thống kê về kết quả thực hiện liên kết giữa 2 địa phương chưa được quan tâm đúng mức nên kết quả không thể hiện đầy đủ. Hầu hết các cơ chế, nguồn lực vẫn chỉ thực hiện theo lợi ích, cục bộ địa phương nên bị phân tán, không có sự phân cấp rõ ràng.
Theo nhận định của các chuyên gia, dù nằm sát bên TPHCM nhưng đến nay Long An vẫn chưa phát triển nhiều. Nếu Long An phát triển sẽ tiếp thêm lực đẩy cho TPHCM phát triển. Mấu chốt để hợp tác đạt hiệu quả và thúc đẩy các địa phương phát triển là cần xử lý tốt vấn đề liên kết vùng, có quy hoạch theo chức năng, không gian. Trong năm 2016, tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, TPHCM đã đề nghị phải có cơ chế điều phối, liên kết vùng cụ thể cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và giao cho một phó thủ tướng phụ trách. Bởi thực tế không thể nào TPHCM chỉ đạo được Long An hay Long An chỉ đạo được TPHCM. Thực hiện tốt liên kết vùng thì mới tập trung được nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển chung cho cả vùng.
Ký kết 12 nội dung hợp tác từ nay đến năm 2020 
Trên cơ sở phát huy kết quả đã đạt được trong việc thực hiện chương trình hợp tác kinh tế - xã hội giữa TPHCM và tỉnh Long An trong 10 năm qua, trong thời gian tới lãnh đạo 2 bên thống nhất tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực, dựa trên các nguyên tắc: Hợp tác toàn diện về kinh tế - xã hội là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài nhằm phát huy lợi thế của từng địa phương, góp phần phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đáp ứng xu thế hội nhập; hợp tác trên nguyên tắc bình đẳng, hai bên cùng có lợi; hợp tác trên tinh thần tự nguyện của các tổ chức, DN; đề ra những định hướng, nội dung trọng tâm có tác động quan trọng đến sự phát triển của 2 địa phương.
Theo đó, 2 bên đã thỏa thuận, thống nhất hợp tác ở 12 lĩnh vực, bao gồm: nông nghiệp và phát triển nông thôn; công nghiệp - thương mại; thu hút đầu tư; giao thông vận tải, phát triển đô thị; giáo dục và đào tạo; y tế; văn hóa - thể thao và du lịch; an sinh xã hội; khoa học và công nghệ; tài nguyên và môi trường; an ninh chính trị và trật tự xã hội. 
Việc tổ chức thực hiện, mỗi địa phương sẽ cử một đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo, thực hiện chương trình hợp tác đã được 2 bên thỏa thuận. Các sở, ngành của 2 địa phương tiếp tục bổ sung, cụ thể hóa các nội dung hợp tác liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách, đồng thời triển khai các nội dung theo tiến độ. Giải quyết kịp thời những vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án để sớm đưa vào hoạt động. 
Trên cơ sở chương trình hợp tác được lãnh đạo 2 địa phương ký kết, các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể và trực tiếp làm việc với nhau để ký các văn bản ghi nhớ và tổ chức thực hiện. Định kỳ 6 tháng và 1 năm, có báo cáo tình hình thực hiện gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo lãnh đạo. Định kỳ 2 năm/lần, 2 địa phương tổ chức cuộc họp luân phiên để sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện các nội dung đã thỏa thuận, trao đổi và thống nhất các vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung.

Tin cùng chuyên mục