Việc tập trung khiếu kiện đông người ở Văn phòng 2 Quốc hội (TPHCM)

Người dân đã về địa phương trong trật tự và an toàn

Trao đổi với PV Báo SGGP sáng qua (19-7), ông Lê Văn Vạn, Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam Văn phòng Quốc hội khẳng định: Toàn bộ hơn 500 người dân của 20 tỉnh, thành phía Nam tập trung khiếu kiện tại Văn phòng 2 Quốc hội từ ngày 22-6 đã được lãnh đạo các địa phương đưa về quê trong trật tự và an toàn vào tối 18-7.

Theo ông Vạn, đầu tiên chỉ là 93 người dân đến từ tỉnh Tiền Giang nhưng cho đến tối 18-7, có hơn 500 người đến từ 20 tỉnh thành phía Nam. Tỉnh có đông người nhất là Tiền Giang, tiếp theo là Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Long An, Cần Thơ, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Thuận, Sóc Trăng… Nội dung khiếu kiện chủ yếu là giá cả đền bù khi nhà nước giải tỏa thu hồi đất, bất cập trong công tác bố trí tái định cư…

Dù Văn phòng Quốc hội đã nhiều lần giải thích việc giải quyết khiếu kiện là trách nhiệm của chính quyền địa phương, Quốc hội sẽ giám sát. Vụ Công tác phía Nam không có chức năng tiếp xúc công dân, nhận đơn và khiếu kiện như vậy là không đúng luật. Nhưng theo ông Vạn, một số phần tử cơ hội, quá khích đã lợi dụng tình hình cung cấp tiền, thực phẩm cho bà con làm cho tình hình phức tạp thêm và người dân bám trụ dài ngày.

Về việc khiếu kiện đông người này, trong cuộc họp mới đây với lãnh đạo các tỉnh thành phía Nam và các cơ quan chức năng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng đã yêu cầu lãnh đạo các địa phương và cơ quan chức năng thực hiện ngay một số nội dung: Trước hết là rà soát, phân loại toàn bộ các vụ khiếu kiện trong thời gian qua; xem xét lại việc giải quyết, việc nào đã giải quyết tốt thì công khai trên báo chí, việc nào giải quyết sai, chưa thấu tình đạt lý thì phải giải quyết lại.

Đối với các tổ chức, cá nhân làm sai dẫn đến khiếu kiện của người dân, phải kiên quyết xử lý đến nơi đến chốn. Củng cố lại việc tuyên truyền, hướng dẫn luật pháp để người dân khiếu nại tố cáo đúng nơi, đúng chỗ và đúng pháp luật. Đối với những đối tượng lợi dụng khiếu nại tố cáo để làm việc xấu nếu tiếp tục tái phạm phải xử lý nghiêm trước pháp luật.

Ông Phạm Ngọc Thọ chủ nhà số 3 A Hồ Văn Huê (gần sát với trụ sở Văn phòng 2 Quốc hội) và nhiều người dân cư ngụ xung quanh chứng kiến toàn bộ diễn tiến sự việc vào tối 18-7 cho biết: sau khi có loa phóng thanh giải thích các chính sách pháp luật về khiếu kiện, người có trách nhiệm của chính quyền đã lịch sự mời bà con lên xe, xe được bố trí theo từng địa phương. Tức bà con ở địa phương nào thì lên xe của địa phương đó, không khí diễn ra rất trật tự an toàn.

“Không hề có xô xát xảy ra và cũng không có chuyện công an dùng hơi cay, vòi rồng xịt nước vào dân, ép bà con lên xe (như một số báo xuất bản ở nước ngoài đưa tin). Chỉ có các bạn thanh niên tình nguyện giúp đỡ những người già thu dọn tư trang hành lý. Kể cả băng rôn, biểu ngữ chính quyền cũng không tịch thu” – ông Thọ khẳng định.

Theo chứng kiến của ông Thọ, phần lớn bà con tự nguyện ra về sau khi có sự giải thích của cơ quan có chức năng, lãnh đạo các địa phương. Chỉ có một vài phần tử kích động kêu gọi người dân ở lại nhưng bà con không nghe và trật tự lên xe về địa phương với sự giúp đỡ của các bạn thanh niên tình nguyện.

Theo ông Trần Trung Tính, Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM, trước đó từ ngày 16-7, MTTQ TP đã trao đổi với các địa phương bạn để nắm yêu cầu của bà con. Sau đó, cán bộ của TP và các tỉnh đã đến từng hộ dân để giải thích về các chính sách pháp luật, hướng dẫn bà con đi khiếu nại đúng nơi đúng chỗ. Một số bà con thấy đúng đã tự nguyện trở về địa phương. Ông Lê Văn Vạn cho rằng: Ngay sau khi về địa phương, lãnh đạo tỉnh phải trực tiếp đối thoại với từng hộ dân để giải quyết tận gốc vấn đề. 

TRẦN TOÀN

Tin cùng chuyên mục