“Áo giáp” nào cho doanh nghiệp ra trận?

* Đại biểu Quốc hội NGUYỄN NGỌC HÒA, Chủ tịch HĐQT Co.opMart: Muốn cạnh tranh phải liên kết
“Áo giáp” nào cho doanh nghiệp ra trận?

Giải pháp tăng trưởng GDP của TPHCM năm 2015

Trong lúc hơn 90% doanh nghiệp (DN) Việt Nam là DN vừa và nhỏ thì thị trường thương mại tự do là cuộc chơi quá lớn. Trước sự cạnh tranh khốc liệt, “đối thủ” mạnh, nhà nước phải trang bị “áo giáp” thế nào để DN “ra trận” là điều mọi người quan tâm. Dưới đây là những ý kiến tâm huyết, những kiến nghị từ thực tế trong việc xây dựng chính sách, giải pháp… của những người trong cuộc và nhà nghiên cứu.

Doanh nghiệp Việt Nam cần được bảo vệ. Ảnh: CAO THĂNG

* Đại biểu Quốc hội NGUYỄN NGỌC HÒA, Chủ tịch HĐQT Co.opMart: Muốn cạnh tranh phải liên kết

Nền kinh tế đã dần phục hồi nhưng sức mua vẫn chậm. Thị trường bán lẻ  trước khi Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, đã rất “nóng” với nhiều đối thủ nước ngoài tầm cỡ… Trước tình hình này, nếu DN trong nước chỉ hoạt động “chay”, không liên kết để làm marketting thì không cạnh tranh nổi. Bộ Công thương nên làm việc với các nhà bán lẻ, nhà phân phối để nhìn nhận “bức tranh thật” của thị trường bán lẻ để có giải pháp hỗ trợ DN đúng nhu cầu; bởi chúng ta không thể ưu đãi về vốn, về lãi suất rẻ - điều này sẽ vi phạm Luật Cạnh tranh - nên phải tìm giải pháp hỗ trợ DN về đào tạo, đầu tư chuyển giao công nghệ, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, “nước xa không cứu được lửa gần”. Vấn đề quan trọng là các DN  trong nước phải liên kết cùng nhau hợp tác nắm bắt thông tin, gia tăng nội lực đủ sức cạnh tranh. Các DN sản xuất và phân phối phải trao đổi thông tin, sắp ra nhãn hiệu gì, từ đó gởi thông điệp đến người tiêu dùng một cách hiệu quả. Điều đó cho thấy việc gắn kết giữa các nhà sản xuất và tiêu thụ là rất quan trọng trong việc cạnh tranh, giữ thị phần.

* Bà LÊ THỊ GIÀU, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây: Định giá tài sản cho vay phải tính cả “phần xác” và “phần hồn”

Hiện nay khó khăn của DN Việt đã dần qua thì hội nhập đến quá gần, DN không kịp trở tay nên tính cạnh tranh yếu so với DN nước ngoài. Ví dụ, hàng Thái Lan nhập vào với thuế suất bằng 0% thì thị phần nội địa sẽ mất dần vào tay họ. Bởi DN nước ngoài có sự chuẩn bị từ trước, được vay với lãi suất thấp để đầu tư sản xuất. Trong khi, ở Việt Nam những năm khó khăn vừa qua, các DN chỉ lo đối phó, co cụm,  chứ không mạnh dạn đầu tư công nghệ. Công nghệ thấp thì không thể sản xuất nhanh - nhiều - rẻ để có thể cạnh tranh.

Điều quan trọng để những DN vừa và nhỏ, DN tiềm năng bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế trong thời gian qua nhanh chóng tăng trưởng là có nguồn vốn vay ổn định. Hiện nay, nhiều DN còn “dính” nợ với lãi suất cao, được vay từ những năm trước, nên giờ trở thành nợ xấu. Chỉ cần lãi trên 10% - 12% thì sản xuất không thể chống đỡ nổi. Mà đã dính nợ xấu thì không thể vay được nữa, nên khi không có vốn tiếp tục đầu tư thì DN khó có thể tồn tại để trả nợ cũ. Do vậy, cần có biện pháp mạnh để giải quyết vấn đề nợ xấu, phát huy tác dụng giúp khai thác toàn bộ khối tài sản tồn đọng. Vì vậy, cách tháo gỡ cho DN hiện nay là các ngân hàng phải phân tích nợ xấu một cách rõ ràng, khoản nào không thể thu hồi, khoản nào có thể thu hồi nhưng chưa thu hồi được, từ đó có biện pháp hỗ trợ thu hồi nợ. DN có nợ xấu nhưng có dự án, khả năng phục hồi thì cho họ được khoanh nợ để họ tiếp tục sản xuất kinh doanh.

Đi đôi với việc giải quyết tận gốc nợ xấu thì phải hỗ trợ vốn mới cho doanh nghiệp. Việc định giá giá trị DN để cho vay thì nên định giá tầm nhìn tương lai chứ không nên định giá “phần xác” là nhà kho, máy móc thiết bị… mà quên định giá “phần hồn” là giá trị thương hiệu của DN. Nhìn việc chuyển nhượng của Kinh Đô sẽ thấy, giá bán rất cao, nếu tính máy móc thiết bị thì chỉ vài chục phần trăm trong giá bán, phần giá cao chính là giá trị thương hiệu. Do vậy, việc cho vay cũng thế, nên định giá giá trị thương hiệu, khả năng thực hiện của dự án để quyết định số vốn vay. Nếu không DN trong nước sẽ khó tìm được nguồn vốn đầu tư để cạnh tranh với DN nước ngoài.

* PGS-TS LÊ VŨ NAM, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM: Ngân hàng cần  hoạt động minh bạch và lành mạnh

Để nền kinh tế Việt Nam phát triển và tăng trưởng bền vững có rất nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có vấn đề liên quan đến tính minh bạch, lành mạnh của hệ thống ngân hàng - với tư cách là một kênh huy động và tài trợ vốn cho nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng có hoạt động minh bạch và lành mạnh thì mới đủ mạnh để đảm đương vai trò “bà đỡ” cho nền kinh tế nói chung và các DN nói riêng. Theo tôi, một trong những vấn đề cấp bách hiện nay là làm thế nào kiểm soát sở hữu chéo để xử lý và ngăn chặn tác động tiêu cực của hoạt động này. Thực tế cho thấy, sở hữu chéo là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nợ xấu và tình trạng cấu kết, hình thành lợi ích nhóm nhằm thực hiện những giao dịch không minh bạch, tư lợi, vi phạm pháp luật và tác động tiêu cực đến trật tự quản lý kinh tế, ảnh hưởng đến niềm tin trong công chúng. Sở hữu chéo còn làm giảm sức cạnh tranh của các ngân hàng và làm cho nguồn vốn sử dụng không hiệu quả, lãng phí và thất thoát…

Để kiểm soát và ngăn ngừa tác động tiêu cực của hoạt động sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, chúng ta cần có một khung pháp lý rõ ràng, đầy đủ theo hướng có những quy định cụ thể về giới hạn tỷ lệ sở hữu, giới hạn mức cấp tín dụng, đặc biệt cấp tín dụng để góp vốn, đầu tư vào cổ phiếu; kiểm soát chặt chẽ giao dịch vốn trong hệ thống ngân hàng thông qua cơ chế báo cáo và công bố thông tin kịp thời; đẩy mạnh hoạt động thanh tra, giám sát hoạt động giao dịch vốn, nâng cao vai trò của bộ phận kiểm toán và kiểm soát nội bộ tại các ngân hàng, đồng thời xây dựng các chế tài đủ mạnh mang tính răn đe cao áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm…

Khá nhiều nội dung nêu trên đã được đề cập trong Thông tư 36 quy định giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mới vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành. Tuy nhiên, để thông tư này phát huy tác dụng và mang lại hiệu quả, trên thực tế đòi hỏi phải có quyết tâm cao từ phía cơ quan quản lý cũng như tinh thần chấp hành và tuân thủ pháp luật của các ngân hàng cũng như nhà đầu tư.

HÀN NI

- Bài 2: Thu hút các dự án công nghệ cao

Tin cùng chuyên mục