Quy định về bảo vệ sở hữu trí tuệ của Việt Nam phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế tốt nhất

Các quy định về bảo vệ sở hữu trí tuệ của Việt Nam phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế tốt nhất, qua đó giúp tạo động lực và sự yên tâm cho các chủ thể phát huy sức sáng tạo và tài sản trí tuệ. 

Quy mô thị trường toàn cầu cho hàng hóa sáng tạo đã tăng trung bình 2,28%/năm trong giai đoạn 2011-2020 và tăng tới 16,56% năm 2021. Ảnh minh họa
Quy mô thị trường toàn cầu cho hàng hóa sáng tạo đã tăng trung bình 2,28%/năm trong giai đoạn 2011-2020 và tăng tới 16,56% năm 2021. Ảnh minh họa

Sáng 26-4, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ tổ chức hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu “Phát triển kinh tế sáng tạo: Xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam”, trong khuôn khổ chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/tăng trưởng xanh do Chính phủ Đức tài trợ.

TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM nhận định, để hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao là một điều kiện tiên quyết.

“Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng truyền thống dựa trên gia tăng vốn, lao động phổ thông, đất đai, tài nguyên thiên nhiên đã chạm ngưỡng giới hạn. Trong bối cảnh ấy, chúng ta phải không ngừng đổi mới, cả về tư duy, cách làm và mô hình để “sáng tạo” ra những không gian mới cho tăng trưởng kinh tế”, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.

Thực tế những năm gần đây đã chứng kiến những bước phát triển nhanh và đóng góp vượt bậc của kinh tế sáng tạo, thể hiện ở khả năng tạo việc làm, kích thích đổi mới và đóng góp cho phúc lợi xã hội. Theo thống kê của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), quy mô thị trường toàn cầu cho hàng hóa sáng tạo đã tăng trung bình 2,28%/năm trong giai đoạn 2011-2020 và tăng tới 16,56% năm 2021. Tổng xuất khẩu dịch vụ sáng tạo toàn cầu đã tăng trung bình 8,14%/năm trong giai đoạn 2011-2020.

Theo nhóm nghiên cứu CIEM, Việt Nam bước đầu đã có nỗ lực tiếp cận các ngành công nghiệp và dịch vụ sáng tạo; bước đầu có khung chính sách liên quan đến phát triển kinh tế sáng tạo. Một số chính sách, quy định đã được hoàn thiện và đáp ứng rất tốt yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế sáng tạo. Chẳng hạn, các quy định về bảo vệ sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã được hoàn thiện phù hợp với các cam kết quốc tế và các thông lệ quốc tế tốt nhất, qua đó giúp tạo động lực và sự yên tâm cho các chủ thể phát huy sức sáng tạo và tài sản trí tuệ trong nền kinh tế sáng tạo.

Báo cáo của nhóm nghiên cứu đã phân tích về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam.

Các điểm mạnh bao gồm: di sản văn hóa phong phú và đa dạng; dân số trẻ, năng động và thành thạo công nghệ; những thay đổi chính sách tích cực đối với các mô hình kinh tế mới. Các điểm yếu bao gồm: hạn chế cố hữu về nguồn vốn, đặc biệt là trong các lĩnh vực sáng tạo truyền thống; thiếu nhiều kỹ năng liên quan đến kinh tế sáng tạo ở không ít nhóm chủ thể sáng tạo (đặc biệt là người trung niên và người cao tuổi, phụ nữ, các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn); những bất cập về kết cấu hạ tầng “cứng” và “mềm” cho phát triển kinh tế sáng tạo.

Đưa ra các khuyến nghị nhằm phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh yêu cầu hàng đầu là hoàn thiện khung chính sách vững chắc để nuôi dưỡng kinh tế sáng tạo, gắn với tạo không gian, động lực và sự yên tâm cho các chủ thể sáng tạo.

Tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ số; tăng cường phát triển giáo dục và đào tạo kỹ năng; thúc đẩy hợp tác và kết nối là những yêu cầu quan trọng tiếp theo. Cùng với đó là tiếp tục phát triển thị trường trong nước và quốc tế cho các sản phẩm sáng tạo của Việt Nam; tăng cường tính bền vững và trách nhiệm xã hội trong các doanh nghiệp liên quan tới sáng tạo.

Tin cùng chuyên mục