Đưa Khánh Hoà trở thành trung tâm du lịch biển chất lượng cao của khu vực và thế giới

Sáng 26-4, tại TP Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Diễn đàn chính sách địa phương với chuyên đề “Phát triển du lịch xanh và bền vững” với sự tham gia của hơn 150 đại biểu trên toàn quốc.

Xứng tầm vị thế trung tâm du lịch biển

Khánh Hòa là tỉnh ven biển Duyên hải Nam Trung bộ, có ưu thế nổi trội về tài nguyên du lịch biển và với hệ thống đảo, quần đảo, vịnh ven bờ nổi tiếng (Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang) cùng với các bãi tắm đẹp, đa dạng sinh học, tiềm năng bảo tồn thiên nhiên biển…

Trong nhiều năm qua, Khánh Hòa đã trở thành trung tâm du lịch biển, đảo tầm cỡ của cả nước và khu vực với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch chất lượng cao hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

z5261048431346_a1848320f6f7d906e0a1215fc3d12b2f.jpg
Khánh Hòa có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, tỉnh Khánh Hòa có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, với những danh lam thắng cảnh, bãi tắm đẹp trải dọc theo bờ biển dài 385km, được phân bố đều ba vịnh: Nha Trang, Vân Phong, Cam Ranh, các vịnh đều được đánh giá là những vịnh đẹp của thế giới, có thềm lục địa và vùng lãnh hải rộng lớn với gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó quần đảo Trường Sa có vị trí chiến lược quan trọng cả về quốc phòng và kinh tế.

“Không những thế, Khánh Hòa còn nằm trên các trục giao thông quan trọng của cả nước, có các cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế Cam Ranh có lưu lượng khách quốc tế đứng thứ 3 cả nước, là cửa ngõ giao thông đường hàng không quan trọng cho cả khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên”, bà Thanh cho biết thêm.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam và Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định Khánh Hòa là 1 trong 7 khu vực trọng điểm ưu tiên phát triển trong cả nước, thành phố Nha Trang là Đô thị du lịch, Khu du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh là Khu du lịch quốc gia, Trường Sa là Điểm du lịch quốc gia; Về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Khánh Hòa, du lịch được xác định đầu tư phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Phát triển du lịch xanh để phát triển bền vững

Tại hội nghị, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, du lịch Khánh Hòa đã có những bước phát triển hiệu quả, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương và du lịch cả nước. Tuy nhiên, những kết quả chung đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của trung tâm du lịch biển đảo có nhiều ưu thế nổi trội.

IMG_3251.JPG
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phát biểu tại diễn đàn

Theo ông Khánh, cần phát triển du lịch xanh và bền vững trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, lợi thế kinh tế biển để đưa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, có khả năng thích ứng linh hoạt với biến động kinh tế, xã hội và môi trường, đưa Khánh Hoà trở thành trung tâm du lịch biển chất lượng cao của khu vực và thế giới là mục tiêu quan trọng trong thời gian tới.

Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, để phát triển du lịch biển Khánh Hoà theo hướng xanh và bền vững, tỉnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp theo 6 yêu cầu cơ bản: Duy trì được nguồn vốn tự nhiên biển cho phát triển du lịch; Bảo tồn được thiên nhiên biển, bao gồm các hệ sinh thái và cảnh quan biển, ven biển và đảo; Bảo vệ được môi trường biển khỏi ô nhiễm và suy thoái; Phát triển hiệu quả du lịch biển dựa trên nền tảng của chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn; Thực thi nghiêm túc pháp luật về biển, về du lịch và môi trường; Truyền thông nâng cao nhận thức và kiến thức về du lịch biển xanh và bền vững cho du khách, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư ven biển và trên đảo.

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Trùng Khánh đề nghị tỉnh Khánh Hòa cần tăng cường công tác quản lý điểm đến, quản lý môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh. Khuyến khích áp dụng các giải pháp sản xuất du lịch “xanh”, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng thân thiện với môi trường và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong hoạt động du lịch. Kiểm soát việc xả thải, xử lý chất thải, khí thải trong hoạt động du lịch, giảm thiểu tác động với môi trường, đặc biệt môi trường biển. Lồng ghép các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu với các hoạt động phát triển du lịch biển, đảo, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sự cố môi trường biển đến hoạt động du lịch…

Tin cùng chuyên mục