Bảo vệ “nóc nhà Đông Dương”

Bảo vệ “nóc nhà Đông Dương”

Trong thời gian qua, hàng chục ngàn hécta rừng Tây Nguyên đã bị tàn phá, xâm chiếm và chuyển đổi mục đích sử dụng. Vì thế, hạn hán và lũ lụt đang chực chờ gây hại cho cuộc sống người dân nơi đây. Nếu không sớm đóng cửa rừng Tây Nguyên, những hệ quả đó sẽ xảy đến trong một ngày không xa.

Mỗi năm mất gần 50.000ha rừng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, diện tích và chất lượng rừng Tây Nguyên tiếp tục suy giảm nghiêm trọng. Tính đến ngày 31-12-2014, Tây Nguyên còn hơn 2,25 triệu ha rừng tự nhiên, giảm 273.000ha so với năm 2010. Trong đó: Diện tích rừng giảm do chuyển đổi mục đích sử dụng 110.000ha (để trồng cao su, cây công nghiệp, cây ăn quả…); do quy hoạch địa phương là 37.800ha (xây dựng thủy điện, công trình giao thông, công trình công cộng…), do phá rừng và lấn chiếm đất rừng là 122.900ha (chiếm 45%)… Trong vòng 5 năm (từ 2010-2014), trữ lượng rừng Tây Nguyên cũng giảm hơn 57 triệu m3 (giảm từ 327 triệu m3 năm 2010 xuống 270 triệu m3 năm 2015).

Nhiều cánh rừng phòng hộ ở huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) phải “hy sinh” để xây dựng thủy điện Thượng Kon Tum Ảnh: CÔNG HOAN

Còn ông Ngô Đông Hải, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho biết: Rừng Tây Nguyên đang bị suy thoái nghiêm trọng cả về số lượng, chất lượng và đa dạng sinh học rừng. Tỷ lệ rừng gỗ loại giàu chỉ còn 10,4%, loại trung bình 22,7%, còn lại gần 67% thuộc loại nghèo kiệt. Trong khi đó, việc chặt phá rừng trái phép vẫn tiếp diễn nhiều năm và có xu hướng phức tạp hơn. Việc mất rừng do chuyển đổi đất rừng sang đất sản xuất, chuyển đổi rừng nghèo sang trồng 72.000ha cao su, chuyển đổi 8.000ha xây dựng khoảng 50 công trình thủy điện đã làm cho hàng chục ngàn hécta rừng bị ngập trong lòng hồ, hàng chục ngàn hécta bị triệt phá.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn, việc chuyển đổi rừng ồ ạt đã làm giảm sút nghiêm trọng diện tích và chất lượng rừng Tây Nguyên. Do nôn nóng trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương, việc thực hiện các dự án chuyển đổi rừng, nhất là các dự án chuyển đổi rừng trồng cao su, đã triển khai ồ ạt và không tuân thủ các quy định của Nhà nước. Trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương khi tổ chức triển khai nhiều dự án chưa đúng với quy định của Nhà nước về vấn đề quy hoạch, đánh giá tác động môi trường, tổ chức tận thu gỗ. “Ở một số địa phương còn có hiện tượng “lách luật” trong việc giao dự án khi chia nhỏ dự án dưới 1.000ha, cho dù trong vùng cùng chuyển đổi có quy mô hàng ngàn hécta, hoặc giao cho doanh nghiệp tự khảo sát và lập dự án. Trong khi đó, một số địa phương buông lỏng quản lý và không kiểm tra năng lực tài chính của các doanh nghiệp được giao rừng. Một số chủ dự án thiếu năng lực tài chính, thiếu nhân lực lao động tham gia thực hiện dự án. Nhiều chủ dự án để cán bộ làm ngơ, tiếp tay cho hành vi phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho hay.

Đóng cửa rừng là cần thiết

Tại hội nghị về “Các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu” được tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột vào ngày 20-6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên Tây Nguyên và không chuyển đổi hơn 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác, trừ các dự án quan trọng liên quan an ninh. Không có chủ trương chuyển rừng nghèo, rừng cạn kiệt sang trồng cây công nghiệp. Yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, công an, kiểm sát, tòa án, quân đội… vào cuộc đấu tranh nâng cao trách nhiệm được giao ngăn chặn tàn phá rừng đã và đang xảy ra, làm rõ trách nhiệm từng diện tích, từng địa bàn rừng bị mất. Rà soát lại giấy phép các cơ sở chế biến gỗ tự nhiên, qua đó phát hiện những sai phạm để xử lý. Ngừng cấp phép cho các thủy điện liên quan đến chiếm đất rừng và rừng, yêu cầu các dự án thủy điện thực hiện nghiêm trồng rừng thay thế. Kiên quyết thu hồi giấy phép đối với những dự án không chấp hành trồng rừng thay thế.

Ông Ngô Đông Hải cũng cho rằng việc Chính phủ ra lệnh đóng của rừng Tây Nguyên là rất cần thiết. “Tây Nguyên được coi là nóc nhà của Đông Dương, việc bảo vệ và phát triển rừng Tây Nguyên là vấn đề đặc biệt quan trọng và cấp thiết. Vì rừng không những bảo vệ cho Tây Nguyên mà còn chi phối lớn đến nguồn nước, môi trường sinh thái và sự phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh ven biển Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, Đông Bắc Campuchia và Nam Lào. Đặc biệt, rừng ở đây còn gắn với không gian văn hóa cồng chiêng, tín ngưỡng, không gian sinh tồn của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên”, ông Hải chia sẻ.

Còn ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn - Đắk Lắk, cho hay: “Chủ trương đóng cửa rừng Tây Nguyên đã có từ năm 2014, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014-2020. Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ và Bộ NN-PTNT trong công tác bảo tồn rừng Tây Nguyên. Không chỉ có cá nhân tôi, các tổ chức quốc tế, các đơn vị quản lý rừng đều tán thành và rất đồng tình với chỉ đạo đóng tất cả cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ”.

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục