Cá lồng chết hàng loạt ở Phú Yên do nhiễm vi khuẩn Vibrio

Đã có khoảng 24.600 con cá mú, hồng... bị chết tại xã An Ninh Đông, huyện Tuy An (Phú Yên). Cá đều có chung biểu hiện: lở loét, mù mắt, lờ đờ, bỏ ăn 3-5 ngày rồi chết.


Đã có khoảng 24.600 con cá mú, hồng... bị chết tại xã An Ninh Đông, huyện Tuy An
Đã có khoảng 24.600 con cá mú, hồng... bị chết tại xã An Ninh Đông, huyện Tuy An

Sở NN&PTNT Phú Yên vừa có báo cáo nhanh về nguyên nhân khiến cá mú, cá hồng nuôi lồng chết hàng loạt tại xã An Ninh Đông, huyện Tuy An (Phú Yên).

Theo đó, nguyên nhân ban đầu khiến cá nhiễm bệnh lở loét, rồi chết nhanh được Sở NN&PTNT Phú Yên xác định là do vi khuẩn Vibrio gây ra, dịch bệnh càng lúc càng bùng phát và lan rộng.

Cá có biểu hiện bị lở loét ở thân sau đó mù mắt, bơi lờ đờ, bỏ ăn 3-5 ngày rồi chết 

Kết quả quan trắc của Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản từ tháng 4 đến tháng 7-2017 cũng đưa ra kết quả tương tự. Theo đó, tại một số thời điểm mật độ vi khuẩn Vibrio trong nước tại khu vực thôn Phú Lương, An Ninh Đông vượt giới hạn cho phép từ 1,37 – 2,42 lần; các chỉ tiêu khác đều nằm trong giới hạn cho phép (riêng hàm lượng oxy hòa tan hơi thấp hơn ngưỡng cho phép).

Nguyên nhân bùng phát dịch bệnh, được xác định là do mật độ lồng, bè nuôi quá dày (lồng bè nuôi cá, hàu) làm lưu tốc dòng chảy kém, cản trở sự lưu thông nước; Nguồn nước bị ô nhiễm bởi chất thải sinh hoạt của khu dân cư; Nước thải từ một số ao nuôi ốc hương trong khu vực xả thải ra môi trường chưa qua xử lý…

Những nguyên nhân trên tạo điều kiện cho vi khuẩn Vibrio trong nước phát triển mạnh, vượt giới hạn cho phép, gây bệnh cho cá nuôi.

Cá lồng chết hàng loạt ở Phú Yên do nhiễm vi khuẩn Vibrio ảnh 2 Nguyên nhân cá chết ở hàng loạt tại đầm Ô Loan (huyện Tuy An, Phú Yên) là do nhiễm vi khuẩn Vibrio

Bên cạnh đó, các lồng nuôi cá đặt ở vị trí gần bờ, mực nước thấp (từ 1 – 2 mét), đã làm cho sức khỏe cá bị suy yếu, thuận lợi cho vi khuẩn Vibrio xâm nhập và gây bệnh ở cá nuôi. Khi cá nuôi xuất hiện bệnh rải rác, người nuôi đã không trình báo với lực lượng chức năng, mà tự ý phòng, trị theo kinh nghiệm, nên việc phòng, trị bệnh chưa mang lại hiệu quả cao khiến cho cá bị bệnh ngày càng tăng, chết và lây lan trên diện rộng.

Tính đến thời điểm này, ước khoảng 24.600 con bị chết, chiếm tỷ lệ 20% số cá nuôi. Trong đó cá mú chết 17.472 con, cá hồng 7.128 con. Kích cỡ cá bệnh từ 0,4 - 1kg/con.

Sở NN&PTNT Phú Yên đã đưa ra giải pháp trước mắt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan: Giãn thưa lồng, giảm mật độ nuôi trong lồng; Vệ sinh lồng sạch sẽ, hạn chế cá bị trầy xước trong quá trình nuôi; đối với các lồng có cá bị bệnh, thực hiện điều trị bệnh theo phát đồ điều trị đã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, trên địa bàn xã An Ninh Đông có 130 hộ nuôi cá mú, cá hồng với số lượng khoảng 124.800 con/1.560 lồng nuôi/130 bè cá. Cá bắt đầu chết rải rác từ 2 tháng trở lại đây, thời điểm bùng phát dịch, cá chết với số lượng nhiều nhất là khoảng 16 đến 17-7-2017.

Tin cùng chuyên mục