Cá tra bị áp thuế chống bán phá giá: Chủ động sản xuất, chuyển hướng xuất khẩu

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hà Công Tuấn khẳng định, việc cá tra Việt Nam bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá gấp 5,6 lần (từ 2,39 USD/kg đến 7,74 USD/kg) là phi lý và Việt Nam có thể kiện Mỹ. 

 

Chế biến cá tra xuất khẩu
Chế biến cá tra xuất khẩu
Có thể khởi kiện

Theo Bộ NN-PTNT, mức thuế chống bán phá giá mà Hoa Kỳ mới đưa ra đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam cao nhất từ trước đến nay. Theo đó, cá tra của Việt Nam sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá 2,39 - 7,74 USD/kg. Mức thuế này dẫn tới dự báo xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Hoa Kỳ tiếp tục bị suy giảm trong thời gian tới do tác động cộng hưởng của việc áp thuế chống bán phá giá cùng chương trình thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ. Tháng 1-2018, thị phần thủy sản của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn chiếm 6,8% về lượng và 6% về trị giá nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ.

Việc cá tra Việt Nam bị cáo buộc bán phá giá cũng sẽ tác động xấu đến thương hiệu, hình ảnh và uy tín của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đặc biệt sẽ có tác động tâm lý, làm thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam khi họ không đáp ứng được các yêu cầu của thị trường Hoa Kỳ và sẽ chuyển hướng sang các thị trường dễ tính hơn. Từ đó dẫn đến công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, trình độ tay nghề công nhân giảm sút khi chế biến các sản phẩm đơn giản cho các thị trường có giá xuất khẩu thấp hơn, chỉ quan tâm đến tăng sản lượng để bù lại giá trị gia tăng mang lại không nhiều. 

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, trong tháng 3 vừa qua, Hoa Kỳ không chỉ áp thuế chống bán phá giá cá tra mà cả tôm. Đây là phán quyết đơn phương, phi lý, bất công, không phù hợp với WTO. Trong số các doanh nghiệp bị áp thuế chống bán phá giá ở mức quá cao đợt này, có 2 doanh nghiệp Việt Nam không bị Hoa Kỳ áp dụng chính sách thuế vì đã từng thuê luật sư quốc tế khởi kiện Hoa Kỳ. 

Bộ Công thương cũng cho biết đang phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam để trao đổi thông tin và nêu ý kiến với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ; tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (CIT) trong thời gian sớm nhất để bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời Bộ NN-PTNT cũng đang phối hợp tích cực với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ trong việc thực hiện các quy định của chương trình thanh tra cá da trơn do Cơ quan thanh tra ATTP (FSIS) ban hành, dự kiến diễn ra trong tháng 5 tới.

Chuyển hướng thị trường xuất khẩu

Song song với việc xem xét khởi kiện, vấn đề đặt ra hiện nay là phải tính toán các giải pháp cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nói riêng và cá da trơn nói chung. Theo ông Nguyễn Quang Hùng, các ngành, địa phương và hiệp hội cần tuyên truyền phổ biến, tập huấn để hiểu rõ về các quy định, rào cản thương mại từ phía Hoa Kỳ, đặc biệt các vấn đề về phòng vệ thương mại. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt, đầy đủ và minh bạch các tài liệu, hồ sơ, chứng từ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là giá thành sản xuất.

Để hạn chế những bất lợi trước mắt đối với thị trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp cần chủ động củng cố, gia tăng và chuyển hướng xuất khẩu cá tra sang các thị trường khác như: Trung Quốc, Brazil, Mexico, Colombia, ASEAN… 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng lưu ý không ngừng nâng cấp điều kiện sản xuất để nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt các quy định của nhà nhập khẩu, đồng thời tìm mọi cách để giảm giá thành, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng để tránh sản xuất, chế biến các sản phẩm cùng loại quá nhiều dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Mặt khác cần cơ cấu lại sản xuất theo chuỗi liên kết cả về chiều dọc (từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến, xuất khẩu) lẫn chiều ngang (các doanh nghiệp với nhau) để giải quyết tối đa những tiêu cực trong việc cạnh tranh thiếu lành mạnh, bởi điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và giá bán của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế.
 Giám sát việc xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc
Theo VASEP, trong khi sản lượng cá tra xuất khẩu sang Hoa Kỳ sụt giảm thì lượng cá tra xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lại đang tăng đột biến. Tuy nhiên, đáng lưu ý là có sự chênh lệch giá rất lớn giữa các doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạch. Vì vậy, VASEP đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị xem xét, chỉ đạo thực hiện việc quản lý chất lượng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc trong 3 tháng tới, khi nguồn nguyên liệu cá tra dồi dào trở lại; đề nghị quản lý chất lượng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường bộ thông qua việc kiểm tra, cấp chứng thư chất lượng sản phẩm trước khi xuất hàng đi.
Theo thống kê, xuất khẩu cá tra trong tháng 1-2018 sang thị trường Trung Quốc đạt 41 triệu USD (tăng 132% so với cùng kỳ năm 2017), trong đó xuất khẩu bằng đường biển chiếm 56% và đường bộ chiếm 44%.
Hiện cả nước có 9 cá nhân đại diện xuất khẩu cá tra qua biên giới Trung Quốc nhưng đã chiếm đến 47% khối lượng, đồng thời kim ngạch chỉ đạt 23% so với mức 73% từ các nhà máy chế biến. 

Tin cùng chuyên mục