Cần “cú hích” cho nhựa phân hủy sinh học

Vật liệu mới là lĩnh vực đang được phát triển mạnh, trong đó những vật liệu xanh thân thiện môi trường có nguồn gốc thiên nhiên, như nhựa sinh học là một giải pháp giảm dần sự lệ thuộc vào dầu mỏ.
Cần “cú hích” cho nhựa phân hủy sinh học

Vật liệu mới là lĩnh vực đang được phát triển mạnh, trong đó những vật liệu xanh thân thiện môi trường có nguồn gốc thiên nhiên, như nhựa sinh học là một giải pháp giảm dần sự lệ thuộc vào dầu mỏ.

PGS.TS Hồ Sơn Lâm, Viện Khoa học vật liệu TPHCM, giới thiệu về nhựa phân hủy sinh học tại chương trình Phân tích xu hướng công nghệ tháng 9

PGS.TS Hồ Sơn Lâm, Viện Khoa học vật liệu TPHCM, giới thiệu về nhựa phân hủy sinh học tại chương trình Phân tích xu hướng công nghệ tháng 9

Ứng dụng rộng rãi

Trong chương trình Phân tích xu hướng công nghệ tháng 9 do Trung tâm thông tin KH-CN TPHCM tổ chức vào ngày 9-9 với chủ đề Phân tích công nghệ sản xuất - Ứng dụng nhựa phân hủy sinh học cho thấy hiện có khoảng 180 công ty trên thế giới tham gia sản xuất trong lĩnh vực nhựa sinh học, trong đó có 45 công ty sản xuất với sản lượng khoảng 400.000 tấn/năm, tập trung nhiều ở Mỹ, Đức và Nhật Bản.

Các báo cáo viên cũng chỉ ra những tính năng thiết thực của nhựa phân hủy sinh học. Nhựa sinh học là loại nhựa sử dụng những nguyên vật liệu nguồn gốc thực vật hay từ vi khuẩn. Đáng nói hơn, nhựa sinh học với ưu điểm có thể gia công bằng các công nghệ sản xuất nhựa truyền thống như khuôn gia nhiệt, ép phun, đùn thổi… nhưng sau khi sử dụng, các vật liệu nhựa sinh học có thể phân hủy hoàn toàn thành C, CO2, H2O trong thời gian ngắn. Do đó, nhựa sinh học không gây ô nhiễm nặng nề môi trường như các loại nhựa nguồn gốc hóa dầu và có thể được sử dụng như là nguồn thay thế cho nhựa hóa dầu. Hiện trên thế giới, các loại khay và đồ đựng thực phẩm, chai nước ngọt, chai sữa… làm từ nhựa sinh học ngày càng được sử dụng rộng rãi.

Trong khi đó, PGS.TS Hồ Sơn Lâm, chuyên gia trong lĩnh vực nhựa phân hủy sinh học, thuộc Viện Khoa học vật liệu TPHCM, cho biết, với khoảng 2.000 doanh nghiệp nhựa, hàng năm nước ta nhập khẩu 70-80% nguyên liệu nhựa, trong đó có hơn 40 loại nguyên liệu khác nhau và hàng trăm loại chất phụ gia. Trong khi đó nguồn phế liệu nhựa trong nước rất dồi dào nhưng vẫn chưa tận dụng được do hệ thống thu gom nhỏ lẻ, không tập trung; phế liệu hầu như không được xử lý và phân loại theo đúng quy cách; công nghệ lạc hậu. Chỉ cần tận dụng 35%-50% nguyên liệu nhựa tái sinh sẽ góp phần tiết kiệm hơn 600 triệu USD mỗi năm... Do vậy, việc đầu tư phát triển cho nhựa phân hủy sinh học là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn.

Nhiều hạn chế

Tại nước ta, nhựa phân hủy sinh học vẫn còn là vấn đề khá mới mẻ. Còn nhớ, năm 1998 một số nhà sản xuất nước ngoài đã đến Việt Nam để nghiên cứu về khả năng làm nhựa sinh học từ bột bắp và bột khoai tây nhưng ý tưởng của họ không thực hiện được do giá thành sản xuất cao và không đủ nguồn nguyên liệu nên ... thôi.

Còn theo Trung tâm thông tin KH-CN TPHCM, trong 10 năm trở lại đây, các nhà khoa học trong các viện nghiên cứu hoặc các trường đại học nước ta đã có những nghiên cứu nhựa phân hủy sinh học và thu được những kết quả tốt. Như nhóm tác giả Lê Thị Thu Hà, Mai Văn Tiến, Phạm Thế Trinh, thuộc Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, đã công bố sáng chế “Chế phẩm nhựa tự hủy trên cơ sở polylactit và nhựa hạt được sản xuất từ chế phẩm này”. Chế phẩm này có độ bền cơ lý cao, có khả năng tự phân hủy dễ dàng. Ngoài ra, giải pháp cũng đề cập đến nhựa hạt được sản xuất từ chế phẩm nhựa này, nó có thể gia công thành màng mỏng, bao bì và túi đựng tự phân hủy...

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Thảo, Viện Khoa học ứng dụng, đại diện cho nhóm Nghiên cứu tổng hợp polymer phân hủy sinh học phục vụ nông nghiệp, đã tổng hợp thành công một số mẫu polymer phân hủy sinh học. Các mẫu đều có khả năng phân hủy trong đất từ 45 đến 60 ngày (phụ thuộc vào thành phần và tỷ lệ các nguyên liệu). Polymer phân hủy sinh học được ứng dụng làm bầu ươm cây (VINAPOL-FAW), ứng dụng bọc phân NPK (NPK-VINAPOL-PL/AW) và ứng dụng làm màng bọc trái cây (VINAPOL-FfF)...

PGS.TS Hồ Sơn Lâm cho rằng hiện có rất nhiều trường đại học, viện nghiên cứu đã đầu tư nghiên cứu polymer phân hủy sinh học, các hướng nghiên cứu phù hợp với xu thế chung của thế giới... nhưng các kết quả nghiên cứu chủ yếu phục vụ công tác giảng dạy, đào tạo chứ chưa thể thành một hướng sản xuất, phát triển ngành nhựa phân hủy sinh học. Nguyên nhân do chưa có sự gắn kết giữa nghiên cứu và triển khai; cơ sở vật chất và kinh phí cho giai đoạn sản xuất còn thiếu và hạn chế; các doanh nghiệp chưa có thói quen đầu tư cho nghiên cứu vật liệu mới này.

Hiện thế giới có hai loại nhựa sinh học tiêu biểu là PLA (acid polylactic) và PHB (poly 3-hydroxybutyrat). PLA (acid polylactic) được sản xuất từ việc lên men tinh bột thực vật (thường là bắp). Sau thời gian sử dụng, PLA dễ dàng bị phân hủy bởi những vi sinh vật có trong đất hoặc không khí và chuyển hóa thành CO2 và H2O.

Nhựa PLA được thương mại hóa từ những năm 90 và đã đạt được những thành công ban đầu trong cấy mô, chỉ khâu sinh học và hệ thống truyền thuốc do khả năng tự phân hủy theo thời gian.

PHB (poly 3-hydroxybutyrat) là một loại nhựa sinh học chịu nhiệt, dễ phân hủy, đang được quan tâm như là một nguồn thay thế lý tưởng cho nhựa tổng hợp. PHB được sản xuất từ tinh bột hoặc có thể thu được từ quá trình nuôi cấy vi khuẩn. PHB hiện diện trong nhiều sản phẩm, từ vỏ chai nước ngọt đến cấy ghép y học, được ứng dụng để tạo ra màng mỏng trong suốt chịu nhiệt (khoảng 130°C); có khả năng phân hủy hoàn toàn thành CO2 và H2O...

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục