Chế tài đối với hành vi khai thác cát trái phép

Luật Khoáng sản năm 2010 quy định cát được dùng để làm vật liệu xây dựng thông thường và việc khai thác loại khoáng sản này phải đáp ứng được các điều kiện luật định.

Luật Khoáng sản năm 2010 quy định cát được dùng để làm vật liệu xây dựng thông thường và việc khai thác loại khoáng sản này phải đáp ứng được các điều kiện luật định.

Trên thực tế, tình trạng các tổ chức, cá nhân khai thác cát trái phép diễn ra một cách phổ biến, công khai. Một trong những nguyên nhân sâu xa khiến việc ngăn chặn hành vi khai thác cát trái phép gặp nhiều khó khăn là do quy định pháp luật về xử lý vi phạm có nhiều bất cập, chưa đủ sức răn đe. Phần lớn các vụ khai thác trái phép cát chỉ dừng lại ở việc bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền tối đa là 160 triệu đồng (quy định tại Nghị định 142/2013/NĐ-CP). Mức phạt như vậy chưa là gì so với khoản lợi nhuận kếch xù do khai thác cát trái phép mang lại, nên các đối tượng vi phạm sẵn sàng chi tiền nộp phạt rồi sau đó lại tái phạm.

Một chiếc tàu bên phía Đồng Nai chờ đêm xuống để hút cát trên sông Soài Rạp (khu vực giáp ranh giữa TPHCM và Đồng Nai).

Điều 172 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: “Người nào vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, bị phạt tù từ 2 năm đến 10 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng”. Theo đó, yếu tố “gây hậu quả nghiêm trọng” được coi là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Vậy nhưng pháp luật hiện nay chưa có quy định cụ thể xác định như thế nào là gây hậu quả “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng” và “đặc biệt nghiêm trọng”. Một điểm đáng chú ý là Bộ luật Hình sự hiện hành chỉ quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, nên trong trường hợp pháp nhân có hành vi vi phạm thì không bị xử lý. Vì vậy, thời gian qua, tỷ lệ xử lý hình sự theo tội danh này không nhiều.

Khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành trên thực tế, Điều 227 sẽ phần nào khắc phục các hạn chế nêu trên thông qua việc liệt kê cụ thể, chi tiết các hành vi bị xử lý hình sự. Trừ trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, các đối tượng có hành vi khai thác cát trái phép mà thu được nguồn lợi có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; hoặc giá trị của khoáng sản bị khai thác từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; hoặc gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ thương tật từ 31% - 60% thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp đối tượng vi phạm có một trong các tình tiết định khung tăng nặng được quy định tại Khoản 2 Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015 (như gây sự cố môi trường, làm chết người...) thì bị phạt tiền từ 1,5 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Đối với pháp nhân, mức phạt tiền sẽ từ 1,5 tỷ đồng đến 7 tỷ đồng; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.

Luật sư PHAN VŨ TUẤN

Tin cùng chuyên mục