Chỉ số an toàn thông tin Việt Nam đạt 39%

Sáng 4-12, tại Hà Nội, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), Cục An toàn thông tin và Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCẺRT) thuộc Bộ Thông tin Truyền thông (TT-TT) cùng Cục Công nghệ Thông tin của Bộ Quốc phòng đã phối hợp tổ chức sự kiện “Ngày hội An toàn thông tin Việt Nam 2014”. 
Chỉ số an toàn thông tin Việt Nam đạt 39%

(SGGPO).- Sáng 4-12, tại Hà Nội, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), Cục An toàn thông tin và Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCẺRT) thuộc Bộ Thông tin Truyền thông (TT-TT) cùng Cục Công nghệ Thông tin của Bộ Quốc phòng đã phối hợp tổ chức sự kiện “Ngày hội An toàn thông tin Việt Nam 2014”. 

Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Hồng, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở Việt Nam đang buông lỏng, hầu như không áp dụng các biện pháp tối thiểu để đảm bảo an toàn thông tin và chưa có quy trình thao tác chuẩn để ứng phó khi có sự cố xảy ra. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thông tin còn thiếu, chưa đầy đủ, do đó chưa có cơ sở cho việc áp dụng những biện pháp quản lý cũng như biện pháp kỹ thuật mà nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã và đang áp dụng.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam luôn nằm trong danh sách các nước có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm, mã độc hại ở mức cao. Vấn nạn này đã gây ra những thiệt hại lớn, đồng thời đặt ra nhiều nguy cơ, rủi ro trong tương lai, ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh và mức độ tin cậy của Việt Nam trong thế giới số.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cũng cho biết, Bộ TT-TT đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động an toàn thông tin tại Việt Nam. Dự án Luật An toàn thông tin do Bộ TT-TT chủ trì soạn thảo hiện đã được Chính phủ thông qua để trình Quốc hội, xem xét thông qua vào kỳ họp tháng 10-2015.

Báo cáo của VNISA do ông Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNISA cho hay, năm 2014 tình hình mất an toàn thông tin xét theo độ nóng không phải là cao. Đây là năm tương đối yên ắng so với một số năm trước đây. Nhiều sự vụ không gây được sự chú ý như trước. Tuy nhiên, cuối năm có cuộc tấn công trực diện vào Vccorp gây thiệt hại nặng về kinh tế, uy tín. Cuộc tấn công này vẫn diễn ra, ngay cả khi cơ quan an ninh điều tra vào cuộc. Năm qua, lần đầu tiên phát hiện vụ tấn công trên diện rộng vào cá nhân là vụ Ptracker đã cài phần mềm theo dõi 14.000 smartphone. Việc tấn công từ mạng xã hội, phát tán lừa đảo trên facebook, phát triển rất cao trong năm qua, đánh dấu trào lưu mới, nguy hiểm. Các đợt tấn công vào website trong năm 2014 hầu hết đều có mối liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam...

Khảo sát của VNISA cho thấy, chỉ số An toàn thông tin Việt Nam (VNISA Index) năm 2014  đạt 39%, so với năm 2013 tăng không đáng kể (37,5%), còn rất thấp so với Hàn Quốc (62%). Ở khối cơ quan Nhà nước, chỉ số này cũng chỉ đạt 48,73%. Hiện nay mới chỉ có khoảng 1/3 số các cơ quan, doanh nghiệp ở Việt Nam có bộ quy chế về An toàn thông tin; 57% cơ quan doanh nghiệp không hoặc chưa có kinh phí đầu tư cho việc nâng cấp hay xây dựng chương trình An toàn thông tin của mình. 20% các cơ quan, doanh nghiệp khi VNISA khảo sát đều lo ngại, tình hình căng thẳng trên Biển Đông trong năm qua sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến An toàn thông tin của Việt Nam...

Trần Bình

Tin cùng chuyên mục