Chiến lược Phòng thủ tên lửa mới của Mỹ: Nguy cơ châm ngòi chạy đua vũ trang

Trước tuyên bố thay đổi Chiến lược Phòng thủ tên lửa (MDR) của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Nga và Trung Quốc đã lên tiếng phản đối. Hai nước này cho rằng MDR mới có thể làm suy yếu sự cân bằng và ổn định chiến lược trên thế giới.

Lắp đặt trên cả không gian

Chi tiết của chiến lược phòng thủ tên lửa mới bao gồm 6 thay đổi lớn là ưu tiên bảo vệ người dân Mỹ, chuẩn bị cho mọi cuộc tấn công tên lửa, coi không gian là một chiến trường, loại bỏ mọi chướng ngại vật đối với các dự án của Mỹ và yêu cầu chia sẻ gánh nặng ngân sách từ đồng minh. Theo Tổng thống Donald Trump, Mỹ sẽ lắp đặt thêm 20 hệ thống tên lửa đánh chặn phóng từ mặt đất ở Alaska để bảo vệ mọi thành phố của nước này. Một điểm đáng chú ý khác đó là lãnh đạo Mỹ đã tuyên bố không gian vũ trụ là một chiến trường mới với quân chủng không gian của Mỹ phải là lực lượng dẫn đầu.

Hãng Reuters cũng điểm ra những nội dung chính của chiến lược này. Thứ nhất, MDR xem xét khả năng cải thiện hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo hiện có, được gọi là Hệ thống phòng thủ mặt đất (GMD). Tiếp theo là nghiên cứu khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sử dụng các tên lửa rẻ hơn, tầm bắn ngắn hơn, như tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA. Tên lửa này sẽ được thử nghiệm đánh chặn ICBM vào năm 2020. Tên lửa SM-3 Block IIA là sản phẩm liên kết sản xuất giữa 2 nhà thầu Raytheon Co (Mỹ) và Mitsubishi Heavy Industries (Nhật Bản). Bên cạnh đó, nghiên cứu khả năng tạm thời hoặc chuyển đổi hẳn Trung tâm thử nghiệm phòng thủ tên lửa trên bờ Aegis do hãng Lockheed Martin phát triển trên đảo Kauai thuộc quần đảo Hawaii từ một cơ sở thử nghiệm thành một đơn vị hoạt động chính thức nhằm củng cố năng lực phòng thủ ở bang Hawaii, chống lại các đợt tấn công tên lửa tiềm tàng. Nghiên cứu phát triển việc sử dụng tia laser trên máy bay không người lái nhằm theo dõi và phá hủy các tên lửa đối phương nhanh chóng sau khi chúng được bắn lên.

Tàu tuần dương Mỹ phóng tên lửa đánh chặn trên biển
 Nhiều quan điểm lạc hậu


Trong bản chiến lược phòng thủ tên lửa mới, Mỹ vẫn gọi Triều Tiên là mối đe dọa nguy hiểm, cùng với đó là Nga, Trung Quốc, Iran. Phản đối chiến lược mới của Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích điều này có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới và ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh quốc tế, vốn đã đầy bất ổn. Nga cho rằng Mỹ nên tham gia vào những cuộc đối thoại mang tính xây dựng trước khi quá muộn.

Thượng nghị sĩ Nga Alexey Pushkov bình luận chiến lược này khó có thể thực hiện được trên thực tế. Theo Thượng nghị sĩ Nga, số tiền khổng lồ được đầu tư vào phát triển và lắp đặt các hệ thống phòng thủ tên lửa mới, chỉ mang lại lợi ích cho tổ hợp công nghiệp quân sự Hoa Kỳ. Trong khi đó, Phó Trưởng khoa Kinh tế và Chính trị thế giới thuộc Trường Đại học Kinh tế cấp cao Nga Andrei Suzdaltsev nhận định: “Đây là phản ứng của Lầu Năm góc trước việc Nga thúc đẩy hiện đại hóa lĩnh vực quân sự. Sau khi Nga tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh, Mỹ mới nhận ra sự tụt hậu của mình trong lĩnh vực này và quyết định thể hiện mong muốn kháng cự với bước đột phá công nghệ của Moscow”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng chiến lược này gồm những quan điểm lạc hậu về Chiến tranh lạnh và trò chơi được “ăn cả ngã về không”. Theo đó, văn kiện này thổi phồng sự đối đầu địa chính trị và sự cạnh tranh giữa các cường quốc; những hành động của phía Mỹ không mang tính xây dựng, có thể hủy hoại hòa bình và an ninh khu vực, ảnh hưởng tới tiến trình phi hạt nhân của quốc tế, dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang, và làm suy yếu sự cân bằng và ổn định chiến lược trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục