Dải Gaza thiệt hại nặng

Theo dự kiến, Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ nối lại phiên họp khẩn cấp đặc biệt lần thứ 10 về tình hình Palestine (ESS-10) vào ngày 10-5. Những nỗ lực ngoại giao nhằm hướng tới thỏa thuận ngừng bắn để tránh một chiến dịch quân sự tại TP Rafah ở Dải Gaza vẫn đang diễn ra.

Xe quân sự của Israel tiến đến gần TP Rafah, phía Nam Dải Gaza. Ảnh: EPA
Xe quân sự của Israel tiến đến gần TP Rafah, phía Nam Dải Gaza. Ảnh: EPA

Hàng chục ngàn người thiệt mạng

Theo Sở Thông tin của Gaza, sau hơn 6 tháng xung đột giữa Hamas và Israel, ước tính thiệt hại ở Dải Gaza đã lên tới gần 33 tỷ USD và khiến 90% người dân tại đây phải sống dưới ngưỡng nghèo khổ. Bộ Y tế tại khu vực này cho biết, ít nhất 34.596 người Palestine đã thiệt mạng và 77.816 người bị thương trong các cuộc tấn công quân sự của Israel vào Dải Gaza kể từ ngày 7-10-2023. Trong khi đó, phía Israel ghi nhận hơn 1.200 người thiệt mạng. Xung đột cũng đã tàn phá hạ tầng trên quy mô lớn, bao gồm hơn một nửa số nhà cửa, 65% hệ thống đường bộ và 60% lượng phương tiện giao thông tại Dải Gaza.

Liên hợp quốc ước tính số gạch vụn, mảnh vỡ từ hạ tầng bị phá hủy tại mảnh đất hẹp ven biển này là 37 triệu tấn và sẽ cần 14 năm để dọn dẹp. Tỷ lệ thất nghiệp là 75%, tăng gần 30% so với trước thời điểm xảy ra xung đột. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, toàn bộ dân số 2,2 triệu người của Dải Gaza đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc đã đưa ra cảnh báo Dải Gaza có thể sẽ vượt quá các ngưỡng báo động về nạn đói, mất an ninh lương thực, suy dinh dưỡng và tử vong do nạn đói ngay trong tháng 5 này. Nhiều tiếng nói từ Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế đã cảnh báo thảm họa nhân đạo thảm khốc nếu quân đội Israel tấn công TP Rafah - nơi “trú ẩn cuối cùng” của khoảng 1,4 triệu người Palestine trong tổng số 2,2 triệu dân của Dải Gaza.

Viện trợ khẩn cấp

Lầu Năm Góc cho biết, việc khởi công xây dựng cầu tàu tạm thời để tăng cường vận chuyển viện trợ nhân đạo đến Dải Gaza đã hoàn thành hơn 50% và dự kiến sẽ đi vào hoạt động đầu tháng 5. Trong một diễn biến khác, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã cung cấp 3.780 gói thực phẩm dưới dạng viện trợ nhân đạo khẩn cấp nhằm cải thiện tình hình dinh dưỡng của người dân ở Dải Gaza. JICA cho biết, mỗi gói thực phẩm có thể nuôi một gia đình 5 người trong một tuần. Tình hình ở Trung Đông ngày càng leo thang trong bối cảnh Mỹ và Israel có những xung đột tầm nhìn về việc chấm dứt chiến tranh ở Dải Gaza.

Theo tờ New York Times, gần 7 tháng sau cuộc xung đột, các mục tiêu và nỗ lực ngoại giao của Mỹ và Israel dường như ngày càng xa cách hơn bao giờ hết. Chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn tập trung vào lệnh ngừng bắn và tái thiết Dải Gaza, khuyến cáo Israel nên thực hiện các hoạt động chính xác chống lại các thủ lĩnh Hamas, chứ không phải một cuộc tấn công lớn vào TP Rafah.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, ông đã gợi ý với các lãnh đạo Israel rằng “giải pháp tốt hơn” chính là đàm phán với lực lượng Hamas. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ tiến hành kế hoạch tấn công TP Rafah bất chấp sự phản đối của Mỹ và dù Hamas có chấp nhận đề xuất ngừng bắn đổi lấy việc thả con tin hay không.

Phong trào ủng hộ người dân Palestine và phản đối Israel mở chiến dịch tấn công vào TP Rafah đang lan rộng tại các trường đại học khắp nước Mỹ và nhiều trường ở Anh, Pháp.

Tin cùng chuyên mục