Chế độ tử tuất - Lắm rắc rối, nhiều bất cập

Chế độ tử tuất - Lắm rắc rối, nhiều bất cập

Tử tuất là khoản tiền cơ quan BHXH chi trả cho thân nhân người lao động đã chết. Theo đó, người lao động đang làm việc có đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, đang hưởng lương hưu, khi chết, thân nhân được xét nhận trợ cấp tử tuất hàng tháng hoặc một lần. Tuy nhiên, do quy định còn nhiều bất cập nên xảy ra không ít rắc rối khi làm thủ tục.

Rắc rối... thân nhân

Mới đây, BHXH TPHCM đã phân xử vụ tranh chấp tiền tử tuất giữa vợ trước và vợ sau của ông T. Ông ly dị vợ đầu khi đã có một con 10 tuổi, sau đó, ông lại lấy vợ và có đăng ký kết hôn nhưng chưa có con. Khi ông T. chết, người vợ sau làm hồ sơ nhận tử tuất một lần. Cơ quan BHXH thấy hồ sơ hợp lệ nên giải quyết cho người vợ sau nhận tiền tử tuất. Sau một thời gian, người vợ trước của ông T. tới BHXH đòi tiền tử tuất cho con, bởi trong bản án ly hôn có ghi ông T. phải cấp dưỡng cho con đến 18 tuổi. Cơ quan BHXH lập tức mời các bên đến thương lượng, do người con này đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

Đại diện doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động tại BHXH TPHCM.

Đại diện doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động tại BHXH TPHCM.

Chị H. (quận Bình Tân) lại gặp một rắc rối khác. Sau khi chồng mất, chị làm thủ tục cho bố mẹ chị, bố mẹ chồng và 2 đứa con được hưởng chế độ tử tuất hàng tháng. Tuy nhiên, theo quy định, thân nhân chỉ được không quá 4 người, nên chị chỉ khai là bố mẹ chị và 2 con được hưởng chế độ tử tuất của chồng. Mọi việc tưởng êm xuôi nhưng khi chi đi lấy chồng khác thì bố mẹ chồng lại kiện đòi quyền trợ cấp tử tuất. Hay một trường hợp khác tranh chấp giữa mẹ chồng và con dâu. Vợ ông D. sau khi chồng chết đã làm thủ tục nhận tiền tử tuất của chồng. Xét hồ sơ hợp lệ, cơ quan BHXH ra quyết định cho vợ ông D. nhận tiền. Nhưng sau đó mẹ của ông D. tới đòi tiền tử tuất. Do ông D. không có di chúc nên mẹ và vợ ông đều thuộc đối tượng được nhận tử tuất một lần.

Theo ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, do luật chưa quy định rõ thế nào là thân nhân của người chết, dẫn đến nhiều tranh chấp giữa đồng thân nhân nhận tử tuất như giữa mẹ chồng - con dâu, con vợ trước - con vợ sau, vợ trước - vợ sau... Thậm chí, có người để lại di chúc chỉ định người thừa kế tiền tử tuất nhưng người được thừa kế lại không thuộc đối tượng thân nhân nhận tử tuất theo quy định của luật BHXH, khiến cơ quan BHXH lúng túng. Do đó, Luật BHXH cần phải định nghĩa rõ thế nào là thân nhân của người lao động và những ai được nhận trợ cấp tuất một lần sẽ tránh được các tranh chấp trong việc nhận chế độ tử tuất.

Lách luật

Chị T. có chồng làm việc cho một công ty và đã đóng BHXH được 25 năm, mức lương đóng BHXH bình quân gần 3,5 triệu đồng/tháng. Tháng 5-2011, chồng chị qua đời. Trong các thân nhân của chồng chị, chỉ có con trai út 16 tuổi, đang học lớp 10 là đủ điều kiện để nhận tiền tuất hàng tháng. Các thân nhân còn lại là chị T. thì chưa đến 55 tuổi, cha mẹ hai bên đều đã chết. Đang làm thủ tục để con trai được hưởng chế độ tử tuất hàng tháng, chị được một người bạn mách nước làm đơn xin hưởng trợ cấp một lần sẽ được nhiều tiền hơn.

Theo người thân của chị, nếu chị làm đơn xin cho con chị hưởng trợ cấp hàng tháng thì chỉ được 2 năm (đến khi cháu 18 tuổi, tiền tuất hàng tháng bằng 1/2 mức lương tối thiểu chung) khoảng 10 triệu đồng. Và chỉ một động tác nhỏ là làm xác nhận cho con hiện không còn đi học, chị T. đã nhận được khoản tiền tuất một lần của chồng gần 130 triệu đồng (25 năm x 1,5 tháng lương bình quân). Chị T. cho biết: “Tôi lách luật nhưng không sai luật”. Luật BHXH quy định, các đối tượng được hưởng tiền tuất hàng tháng gồm: Con chưa đủ 15 tuổi; con chưa đủ 18 tuổi nếu còn đi học. Nghĩa là, con đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi mà không đi học thì được lĩnh một lần. Như vậy, chị T. chỉ cần chứng minh con mình 16 tuổi không còn đi học là đủ điều kiện để nhận trợ cấp một  lần.

Một cán bộ BHXH thừa nhận, trường hợp lách luật để được hưởng tiền tuất một lần như chị T. không hiếm, nếu không muốn nói là nhiều. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, cho rằng trước hết cần phải sửa luật, quy định lại mức hưởng theo hướng thân nhân người chết được quyền lựa chọn nhận tử tuất một lần hay hàng tháng. Lúc đó, thân nhân sẽ được lựa chọn quyền lợi cao nhất để được hưởng chế độ tử tuất.

HỒ THU

Tin cùng chuyên mục