Tránh tình trạng “e ngại trách nhiệm, đẩy khó cho dân”

Tránh tình trạng “e ngại trách nhiệm, đẩy khó cho dân”

Thực tế hiện nay, các cơ quan soạn thảo các thủ tục hành chính (TTHC) được quy định tại dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cũng đồng thời là cơ quan quản lý chuyên ngành. Vậy làm thế nào hạn chế tâm lý “e ngại trách nhiệm”, tránh được tình trạng quy định theo hướng thuận lợi cho cơ quan giải quyết, đẩy cái khó về phía người dân? Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi cùng ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM xung quanh vấn đề này.

Tránh tình trạng “e ngại trách nhiệm, đẩy khó cho dân” ảnh 1

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM (bìa trái), trao đổi với người dân tại Phòng Công chứng số 2

Phóng viên: Thưa ông, với vai trò “tiền kiểm”, Sở Tư pháp TPHCM đã có những sàng lọc, biện pháp gì giúp cải cách TTHC ngay từ trong xây dựng thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân?

Ông HUỲNH VĂN HẠNH: Một trong các nhiệm vụ cải cách TTHC được đặt ra là cải cách TTHC ngay từ trong quá trình xây dựng thể chế. Theo đó, ngay từ trong giai đoạn soạn thảo văn bản, các quy định về TTHC phải được xem xét, đánh giá tác động của TTHC trên nhiều tiêu chí nhằm đảm bảo từng TTHC được ban hành phải thật sự cần thiết, thật sự phù hợp, có tính khả thi và chi phí tuân thủ thấp nhất.

Qua rà soát cho thấy, hầu hết các cơ quan soạn thảo chưa thật sự quan tâm đến việc đánh giá tác động của TTHC, trong khi đây là một bước bắt buộc và có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ví dụ, thành phần hồ sơ thường quy định nhiều hơn so với sự cần thiết và thời gian giải quyết dài dẫn dến chi phí tuân thủ TTHC rất cao.

Thực hiện vai trò tiền kiểm, Sở Tư pháp gác cổng giúp UBND TP kiểm soát từ những nội dung chi tiết, bằng nhiều giải pháp. Sở yêu cầu đa dạng hóa cách thực hiện như người dân có thể nộp hồ sơ qua bưu điện thay vì phải nộp trực tiếp; chấp nhận bản sao kèm bản chính để đối chiếu… thay vì trước đây hầu hết bắt buộc hình thức duy nhất là bản sao có chứng thực…

- Nếu chỉ cải cách trong việc quy định TTHC tất nhiên là chưa đủ. Điều quan trọng nhất là TTHC đó được tổ chức thực hiện như thế nào trong thực tế?

- Việc tổ chức thực hiện TTHC cho người dân, doanh nghiệp là vấn đề trọng tâm của cải cách TTHC. Để thực hiện, cần có các giải pháp đồng bộ và sự tham gia, nỗ lực của tất cả các sở, ban, ngành, UBND các cấp. Sở Tư pháp rất chú trọng công tác tham mưu UBND TP kiểm tra, giám sát việc tổ chức giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP.

Đặc biệt, Sở Tư pháp đã xây dựng và thực hiện các mô hình, giải pháp cải cách TTHC đơn giản, hiệu quả, tiết kiệm. Nhiều mô hình, giải pháp đã áp dụng thành công trên địa bàn TP như: mô hình kết hợp TTHC đăng ký nhận cha, mẹ, con với TTHC đăng ký khai sinh thuộc thẩm quyền của sở, UBND cấp xã; TTHC kết hợp điều chỉnh hộ tịch cho mọi trường hợp không phân biệt độ tuổi. Sở Tư pháp cũng tham mưu UBND TPHCM cơ chế một cửa liên thông nhóm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hộ tịch, bảo hiểm và đăng ký, quản lý cư trú trên địa bàn TPHCM. Với cơ chế này, người dân thay vì phải đến lần lượt 3 cơ quan khác nhau để nộp hồ sơ và nhận kết quả thì nay có thể đến một cơ quan nộp một bộ hồ sơ và nhận 3 kết quả cùng lúc, tiết kiệm từ 6-21 ngày thực hiện (tùy nhóm thủ tục).

- Thành phố đã có nhiều biện pháp cải cách thực hiện TTHC. Những biện pháp đó là gì, thưa ông? 

- Nếu nỗ lực thực hiện, chúng ta vẫn có thể góp phần CCHC bằng việc mạnh dạn bãi bỏ các quy định, TTHC không phù hợp, gây khó khăn, bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội của công dân, doanh nghiệp. Ví dụ, thành phố đã bỏ yêu cầu về xác nhận chủ đầu tư đã hoàn thành và bàn giao công trình hạ tầng kỹ thuật trong thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. Đáng chú ý nhất là vào tháng 2-2015, UBND TPHCM đã bãi bỏ Quyết định số 200/2004/QĐ-UBND ngày 18-8-2004 về danh sách các ngành nghề sản xuất, kinh doanh không cấp mới hoặc điều chỉnh giấy phép đầu tư trong khu dân cư tập trung.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tại thành phố thường xuyên được kiểm tra, rà soát, loại bỏ những văn bản không còn phù hợp, sửa đổi, bổ sung những văn bản có khiếm khuyết, thường xuyên được đánh giá, xác định hiệu lực. Qua kiểm tra thì số lượng văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái pháp luật được phát hiện và xử lý không nhiều và ngày càng giảm so với trước đây. Đối với các văn bản có sai sót, sau khi được phát hiện đều được các cơ quan ban hành văn bản kiểm tra và tự xử lý theo quy định. Đây là biểu hiện tích cực trong quá trình cải cách thể chế, CCHC của thành phố, mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực cho người dân.

MINH PHƯỢNG (thực thiện)

Tin cùng chuyên mục