Kỷ niệm 46 năm “Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông” (23-10-1961 - 23-10-2007): Con đường huyền thoại trên biển Đông

Đầu năm 1962, Mỹ thiết lập Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn và đẩy mạnh cuộc chiến tranh đặc biệt với số lượng khổng lồ gồm lính Mỹ là 11.300 người và 345.000 lính Ngụy. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã họp và ra nghị quyết về “nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam”. Trong đó, quan trọng hàng đầu là tổ chức tiếp tế, chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam bằng đường biển.

Thực hiện nhiệm vụ mở đường Hồ Chí Minh trên biển Đông, Đoàn 759 Hải quân tích cực chuẩn bị tàu thuyền là những con thuyền gỗ từ Nam bộ ra được sửa chữa nâng cấp lại cho những chuyến đi sắp tới. Sau thành công của chuyến đi trinh sát, tháng 8-1962, Quân ủy Trung ương thông qua nghị quyết mở đường vận chuyển chiến lược trên biển. Bắt đầu từ đây, xuất hiện những con tàu không số (là những con tàu để giữ bí mật đã xóa hết dấu vết và không mang số) lúc ẩn lúc hiện, tiếp tế vũ khí cho miền Nam.  

Ngày 11-10-1962, chiếc tàu gỗ không số đầu tiên mang tên Phương Đông 1 do đồng chí Lê Văn Một làm thuyền trưởng chở 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) lên đường đi Cà Mau mở đầu cho con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại. Đến 16-10, tàu vào cửa Vàm Lũng (Cà Mau), tiếp tế vũ khí kịp thời cho chiến trường miền Nam.

Trong ngày 16-10, khi hay tin chuyến tàu không số đầu tiên cập bến an toàn, đội tàu không số thứ hai đã rời bến vào Nam. Mấy ngày sau, đội tàu không số thứ hai đã cập bến Vàm Lũng an toàn ngay giữa ban ngày. Chuyến thứ ba lên đường vào ngày 14-11-1962. Đúng một tháng sau, chuyến thứ tư lên đường và cũng cập bến an toàn.

Nhận thấy tàu gỗ dễ hư hỏng, không thể vận chuyển vũ khí lâu dài, Quân ủy Trung ương đã chủ trương phải có loại tàu sắt từ 50 - 100 tấn làm phương tiện vận chuyển. Chỉ sau 6 tháng, chiếc tàu sắt đầu tiên do Xưởng đóng tàu 3 (Hải Phòng) đóng đã hoàn thành. Ngày 17-3-1963, chiếc tàu không số bằng sắt đầu tiên chở 44 tấn vũ khí lên đường cập bến Trà Vinh…

Từ năm 1962 - 1972, tại Đồ Sơn (Hải Phòng) đã có gần 100 lượt tàu không số xuất phát chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Điểm đến là các bến: Đức Phổ, Sa Kỳ (Quảng Ngãi); Thạnh Phong (Bến Tre); Vũng Rô (Phú Yên); Vàm Lũng (Cà Mau); Lộc An (Bà Rịa - Vũng Tàu)… Những con tàu không số ấy đã vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí, phương tiện và hàng trăm cán bộ chi viện miền Nam, góp phần làm nên nhiều chiến thắng đi vào lịch sử.

* Bài viết sử dụng tư liệu từ quyển: Lịch sử Lữ đoàn 125 Hải quân.

Thạch Thảo

Tin cùng chuyên mục