Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Giáo sư Trần Văn Giàu: Hai chuyện Cụ Hồ “chỉnh” tôi

1. Cán bộ phải giản dị
Giáo sư Trần Văn Giàu: Hai chuyện Cụ Hồ “chỉnh” tôi
Giáo sư Trần Văn Giàu: Hai chuyện Cụ Hồ “chỉnh” tôi ảnh 1

Bác Hồ thăm Trường Mẫu giáo Mầm non tỉnh Thanh Hóa, ngày 10-12-1961.      Ảnh: TƯ LIỆU

Thực hiện kế hoạch triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Thành ủy TPHCM, với mục đích làm cho toàn Đảng bộ và nhân dân TPHCM nhận thức sâu sắc giá trị to lớn của tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tự hào là công dân thành phố mang tên Bác - Thành phố anh hùng, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn xã hội về ý thức tư tưởng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Báo SGGP mở đợt tuyên truyền “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết mở đầu về những kỷ niệm sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, tôi may mắn có rất nhiều kỷ niệm với Cụ Hồ. Hôm nay tôi không nói về những chuyện lớn lao mà chỉ kể hai mẩu chuyện nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn về giáo dục cán bộ. Đó là chuyện Cụ Hồ “chỉnh” tôi về ăn và mặc” - GS.NGND, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu xúc động kể với phóng viên Báo SGGP tại nhà riêng vào chiều 30-1-2007.

1. Cán bộ phải giản dị

Giữa tháng 9-1945, Cụ Hồ chỉ thị tôi và bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ra Bắc để báo cáo với Chính phủ về tình hình khởi nghĩa tại miền Nam, những vấn đề gì cần phải giải quyết… Đây cũng là lần đầu tiên tôi được gặp Cụ Hồ.

Tôi ở trong Nam ra, lúc đi tôi không có bộ đồ Tây nào đàng hoàng, chỉ có quần áo sơ mi trông rất tềnh toàng. Khi ra Bắc tôi ở nhà ông Đỗ Đình Thiện vì ông là bạn học của tôi.

Hôm chuẩn bị vào gặp Cụ Hồ, ông Thiện dẫn tôi ra phố Hàng Trống để may một bộ đồ nỉ hết sức đẹp, có bộ cúc áo trông rất sang trọng. Ông Thiện nói với tôi: “Ông Giàu ở Sài Gòn ra phải mặc như vậy để vào gặp Cụ Hồ …”.

Hôm vào gặp Cụ, tôi mặc bộ quần áo mới. Lúc gặp tôi, Cụ lại cầm tay áo xem cúc áo và khen “Bộ quần áo nỉ đẹp quá, bộ cúc áo cũng thật đẹp!”. Lúc này ông Thiện nói nhỏ với tôi: “Ông Cụ đang phê bình ông đấy!”.

Khi về, tôi cất ngay bộ đồ này và lần sau đến gặp Cụ, tôi mặc bộ đồ kaki bình thường. Cụ bắt tay tôi niềm nở, không khen chê gì cả. Tôi hiểu, đó là cách Cụ “chỉnh” mình. Là cán bộ không được se sua, phải ăn mặc chỉnh tề, tươm tất, đàng hoàng, đơn giản như mọi người.

2. Khổ cùng với cái khổ của dân

Trong khoảng thời gian ở miền Bắc gần một tháng, hàng ngày tôi đến ăn cơm trưa với Cụ tại Phủ Chủ tịch. Tuy nhiên có nhiều bữa ghế của tôi trống vì tôi không đến, Cụ Hồ hỏi những người ngồi ăn chung: “Chú Giàu dạo này ăn ở đâu, sao ít thấy đến ăn trưa ở đây vậy?”.

Anh em nói với Cụ “Chắc anh ấy đi ăn cơm ở nhà ông Đỗ Đình Thiện” (ông Đỗ Đình Thiện là một trong những nhà giàu bậc nhất Hà Nội khi đó và cũng là người đã đóng góp nhiều tiền vào kho bạc đang trống rỗng của chính quyền cách mạng).

Sau đó tôi có nghe anh em nói lại, khi nghe nói tôi đi ăn ở nhà ông Đỗ Đình Thiện, Cụ Hồ bảo: “Chắc ăn cơm với Bác khổ quá nên chú Giàu đến ăn cơm nhà ông Đỗ Đình Thiện ngon hơn”. Bản thân tôi cũng nghe Cụ Hồ nói: “Ăn cơm với Bác cực quá nên chú lại ăn cơm với ông Thiện phải không…”. Rất nhẹ nhàng nhưng với tôi đó là lời nhắc nhở thật thấm thía.

Trong lúc dân ta đang khổ, nạn đói năm 1945 đang còn ảnh hưởng đến bao người, đã là cán bộ phải biết khổ cùng với cái khổ của dân, phải sướng sau dân, vậy mà tôi là cán bộ cách mạng lại tìm đến chỗ cơm ngon để ăn thì quả là không được.

Qua hai câu chuyện trên tôi thấy những gì Cụ dạy tôi rất sâu sắc và có tác dụng rất cao, cao hơn gấp nhiều lần nếu chỉ thẳng bảo tôi phải làm cái này, làm cái kia.

CHIẾN DŨNG ghi


Tin cùng chuyên mục